Kinhtedothi - Tại Hội thảo “Hoạt động quản lý, điều hành chính sách tiền tệ giai đoạn 2011-2015 và những tác động đối với nền kinh tế” sáng nay (17/12) tại Hà Nội, các chuyên gia đánh giá với các giải pháp điều hành tiền tệ thận trọng, linh hoạt NHNN đã có nhiều đổi mới sáng tạo công tác điều hành chính sách tiền tệ trong 5 năm qua.
Tăng trưởng tín dụng hợp lý, quyết liệt tái cơ cấu
TS Trương Văn Phước - Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính đánh giá, trong giai đoạn này, tỷ lệ lạm phát được kiềm chế, giảm ổn định và hiện đang ở mức thấp, giảm từ mức đỉnh 18,13% năm 2011 xuống còn 6,81% năm 2012, 6,04% năm 2013 và dưới 2% giai đoạn 2014-2015. Lãi suất nhanh chóng hạ nhiệt, hỗ trợ hợp lý cho khu vực sản xuất.
Hiện tại, mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6-7%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn và ở mức 9-10%/năm đối với các khoản vay trung và dài hạn. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn, các doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, có phương án/dự án khả thi thì lãi suất chỉ còn 5-6%/năm.
Bên cạnh đó, lãi suất cho vay USD cũng được điều hành giảm ổn định theo hướng không để tồn tại khoảng cách chênh lệch đáng kể với lãi suất cho vay VND, hiện lãi suất cho vay USD ngắn hạn ở mức 3-5,5% và dài hạn từ 5,5-6,7%.
Chính sách tiền tệ trong 5 năm qua đã giúp tăng trưởng kinh tế ổn định với mức tín dụng hợp lý, đạt được mục tiêu điều hành, phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế và có sự phục hồi qua các năm với tốc độ tăng trưởng lần lượt được cải thiện, cụ thể năm 2012 là 8,85%; năm 2013 là 12,51%; năm 2014 là 14,16%; 6 tháng đầu năm 2015 tăng 7,83%. Tỷ giá và thị trường ngoại hối hối diễn biến ổn định góp phần cải thiện cán cân thanh toán tổng thể, tăng dự trữ ngoại hối nhà nước, nâng cao vị thế VND, hỗ trợ tích cực cho lộ trình chống đô la hóa.
TS Lê Xuân Nghĩa - Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh doanh BDI đánh giá cao việc NHNN đã quyết liệt tái cấu trúc ngân hàng, tạo tiền đề quan trong cho giai đoạn tiếp theo là hiện đại hóa hệ thống NH.
Nhìn lại kết quả đạt được NHNN, trong gần 4 năm tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng đã giảm được 17 tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thông qua sát nhập, hợp nhất, giải thể, rút giấy phép hoạt động. Nhờ triển khai quyết liệt, đến nay NHNN đã xử lý được 11 ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém thông qua hợp nhất, sáp nhập, mua lại. Các tổ chức tín dụng yếu kém đã được kiểm soát và tái cơ cấu theo phương án phù hợp của Chính phủ và quy định của pháp luật.
“Hành động của NHNN được áp dụng một cách nhuần nhuyễn tránh được sự đổ vỡ của toàn hệ thống, phù hợp với thông lệ quốc tế”, TS Lê Xuân Nghĩa đánh giá.
Việc không cho phá sản các TCTD và thực hiện tái cấu trúc triệt để các TCTD yếu kém, áp dụng biện pháp mạnh, mua lại 0 đồng với 3 TCTD, xử lý mạnh các sai phạm do sở hữu chéo, đầu tư chéo, đảm bảo lợi ích của người gửi tiền, có lộ trình áp dụng các chuẩn mực an toàn quốc tế... được TS Nghĩa đánh giá là những bước đi đúng đắn của chính sách tiền tệ, tạo tâm lý ổn định và lòng tin cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước đối với thị trường tài chính nói riêng và cho nền kinh tế nói chung.
Bài toán tỉ giá và lãi suất sẽ chịu nhiều áp lực
Mặc dù đạt được nhiều thành tựu đáng kể, nhưng thách thức với ngành ngân hàng vẫn còn rất lớn. “Dư địa chính sách vĩ mô không còn nhiều” ông Phạm Xuân Hòe Phó Viện trưởng Viện chiến lược Ngân hàng, nói.
Thứ nhất, tín dụng tăng trưởng hằng năm 15-17%, chất lượng nợ xấu; bài toán tỉ giá và lãi suất VND - lãi suất USD sẽ chịu nhiều áp lực.
Thứ hai, thâm hụt tài khóa, nợ công, cộng thêm cam kết đưa thâm hụt tài khóa về 4% trong trung hạn.
Thứ ba, rủi ro địa chính trị, tài chính toàn cầu, chính sách điều hành của NH trung ương các nước lớn tác động lan tỏa dễ gây tổn thương tới hệ thống tài chính VN, áp lực lớn cho thiết kế điều hành chính sách tiền tệ.
Thứ tư, quy mô tài chính, chất lượng tài sản, chất lượng quản trị công ty của các NHTM Việt Nam còn hạn chế trong khi hội nhập càng sâu rộng.
Theo TS Cấn Văn Lực, trong giai đoạn tiếp theo, NHNN nên tiếp tục điều điều hành chính sách tiền tệ chủ động và linh hoạt, giảm bớt biện pháp hành chính, hướng đến chính sách lạm phát mục tiêu, và 1 Ngân hàng Trung ương hiện đại, độc lập hơn.
Mặt khác, tiếp tục điều hành linh hoạt các công cụ CSTT. Trong đó, điều hành CSTT theo hướng mở rộng tín dụng có hiệu quả, đi đôi với an toàn và chất lượng tín dụng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý. Phối hợp giữa CSTT và chính sách tài khóa cũng như các chính sách khác cần được phối hợp đồng bộ và nhịp nhàng hơn, cũng để quản lý giám sát các tập đoàn tài chính - ngân hàng tốt hơn.
Bộ Tài chính và NHNN phối hợp xây dựng hệ thống tài chính phát triển cân bằng hơn, trong đó xây dựng thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu, góp phần đa dạng hóa kênh huy động vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế. Nâng cao năng lực phân tích, dự báo, quản lý-giám sát, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế (AEC, TPP...).
Đáp ứng yêu cầu hội nhập, theo các chuyên gia, ngành ngân hàng còn rất nhiều việc phải làm. Đặc biệt đến năm 2020 sẽ phát triển được hệ thống các tổ chức tín dụng đa năng hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả vững chắc với cấu trúc đa dạng về sở hữu, quy mô, loại hình có khả năng cạnh tranh lớn hơn và dựa trên nền tảng công nghệ, quản trị ngân hàng tiên tiến phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế về hoạt động ngân hàng nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu về dịch vụ tài chính, ngân hàng của nền kinh tế.
Ảnh minh họa.
|