Kinhtedothi - Đó là nhận định của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên khi trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị bên hành lang Quốc hội chiều 5/11.
Thưa ông, từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu đã giảm 8 lần nhưng giá các mặt hàng tiêu dùng không giảm. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Đây là một bất cập trong chuyển đổi nền kinh tế từ kế hoạch hóa sang nền kinh tế thị trường. Ở đây, việc chuyển đổi của đội ngũ những người làm công tác phân phối trên thị trường thương nghiệp không phù hợp với biến đổi thực tế của nền kinh tế đất nước, mà vẫn dừng lại ở tư lợi cá nhân. Tức là họ nhắm mắt đẩy giá lên và biện minh cho hành động này của mình với lý do Nhà nước tăng giá mặt hàng này, mặt hàng kia. Nhưng khi Nhà nước hạ giá thì những người đó tỏ ra rất phấn khởi vì hiệu suất sử dụng đồng vốn của họ cao lên và cố tình không hạ giá mặt hàng tiêu dùng xuống.
Sự mất cân đối đó có nguyên do nào từ việc điều hành giá thị trường của cơ quan quản lý Nhà nước hay không, thưa ông?
- Chúng ta vẫn thường nói đến khái niệm trách nhiệm xã hội của DN, song lại chưa đề cập đến trách nhiệm xã hội của người làm công tác phân phối ở khâu cuối cùng - bán lẻ. Chúng ta mong muốn hài hòa nhưng phải chấp nhận thực tế là để tiếp cận dần phương thức CNH trong thương mại cần có thời gian. Để trở thành một nước CNH - HĐH thì không chỉ ở sản xuất công nghiệp mà còn cả tư duy công nghiệp, tức là nhận thức trách nhiệm với xã hội. Nếu không, Nhà nước phải điều tiết bằng chính sách thuế đối với thu nhập của họ.
Có ý kiến cho rằng, Nghị định 83/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu có hiệu lực từ 1/11/2014 so với Nghị định 84/2009/NĐ-CP không thay đổi nhiều, chỉ điều chỉnh biên độ tăng giá. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?
- Nghị định 84 vẫn còn tính thời sự trong điều hành xăng dầu, nhưng Nghị định 83 điều chỉnh lại, tức là làm biên độ điều chỉnh giá dày hơn, phù hợp hơn với thị trường. Và như vậy lại phải tách ra một phần quan trọng là dự trữ quốc gia và dự trữ cho thị trường. Tôi cho rằng, Nghị định 83 tiếp cận thị trường ngày càng sát hơn.
Dư luận cũng băn khoăn, hiện nay, chúng ta không độc quyền về xăng dầu, nhưng chủ yếu tập trung vào một số DN lớn, liệu có xuất hiện "độc quyền nhóm", tức là các "ông lớn" bắt tay nhau cùng làm giá xăng dầu?
- Hiện nay, Việt Nam có trên 10 đầu mối xăng dầu. Kinh doanh xăng dầu đầu mối không dành cho DN nhỏ và vừa, bởi số vốn lớn và những DN kinh doanh xăng dầu muốn trở thành một partner (thành viên) trên thị trường xăng dầu thế giới cần phải có lựa chọn rất ngặt nghèo. Chúng ta phải tin tưởng ở trong giai đoạn này, điều hành xăng dầu đang tiếp cận với thị trường và các DN đang làm đúng với trách nhiệm và Luật DN. Còn căn cứ vào cáo bạch của họ, nếu cơ quan quản lý Nhà nước thấy hiện tượng các DN liên kết với nhau làm giá thì sẽ xử lý bằng Luật Cạnh tranh. Chúng ta có đầy đủ công cụ để xử lý nên không lo việc đó.
Xin cảm ơn ông!