Theo đó, một trong những nguyên nhân khiến Đội tuyển thất bại ở AFF Cup vừa qua chính là công tác chăm sóc sức khỏe cầu thủ quá kém.
Trong buổi gặp với Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện, khi được đề nghị chia sẻ về tâm tư nguyện vọng, HLV Nguyễn Hữu Thắng đã đề xuất được lãnh đạo ngành thể thao cho phép thuê bác sĩ ngoại khi Đội tuyển tham dự đấu trường quốc tế. Ông Thắng cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến Đội tuyển thất bại tại AFF Cup vừa qua là do công tác chăm sóc sức khỏe có vấn đề. Nhà cầm quân này lấy ví dụ về trường hợp của Hoàng Thịnh và Tuấn Anh: “Cả hai cầu thủ này được xác định là có thể thi đấu ở AFF Cup. Nhưng rút cuộc, Hoàng Thịnh không thể tham gia những trận đấu quan trọng nhất. Trong khi đó, Tuấn Anh vắng mặt toàn giải. Nguyên nhân chính là các bác sĩ không theo kịp với yêu cầu”.
Thực ra thì vấn đề ông Thắng nêu ra không mới. Nó đã âm ỉ trong lòng Đội tuyển từ khi AFF Cup chưa diễn ra. Trong khi Tuấn Anh được chữa trị với phác đồ không chuẩn thì ông Thắng lại thiếu thông tin về quá trình hồi phục của cầu thủ này. Hệ quả là nhà cầm quân này mang Hoàng Thịnh, Tuấn Anh - những người đang bị đau đến AFF Cup, trong khi loại Huy Hùng, Quang Huy - những chuyên gia đánh chặn đang vô cùng sung sức. Cuối cùng, Đội tuyển bị thủng tuyến giữa và bị loại một cách đáng tiếc.
Đáng nói ở chỗ, Tuấn Anh đã được các bác sĩ Nhật Bản chăm sóc trước khi về Việt Nam . Họ khẳng định cầu thủ này kịp bình phục cho AFF Cup. Thế nhưng, chỉ sau một lần bị tiểu phẫu, hút dịch, đầu gối của cầu thủ này phù nề và chia tay AFF Cup một cách cay đắng. Điều này khiến ông Thắng bị động về nhân sự tại đấu trường quan trọng nhất trong năm. Cuối cùng, vạn bất đắc dĩ, ông Thắng mới dám đề cập đến một chuyện nhạy cảm ở Đội tuyển. Bởi, hơn ai hết, ông có trách nhiệm với quyết định lựa chọn bác sĩ của Đội tuyển.
Bóng đá Việt Nam đã thay đổi rất nhiều trong 10 năm qua. Thế nhưng, y tế phục vụ sân chơi dường như chưa theo kịp với yêu cầu. Công tác chăm sóc sức khỏe, chữa trị, hồi phục ở các đội bóng lẫn Đội tuyển đang gặp nhiều hạn chế. Tại các đội bóng, các bác sĩ chủ yếu làm nhiệm vụ sơ cứu, pha nước uống cho cầu thủ, chứ không tham gia vào quá trình lên các bài tập, thậm chí đưa ra phác đồ chữa trị cho cầu thủ.
Hầu hết các đội bóng không đầu tư một cách xứng đáng cho công tác y tế. Ngay cả HAGL cũng bỏ quên mặt trận tối quan trọng này. Bằng chứng là các cầu thủ HAGL yếu về sức mạnh, sức bền. Đặc biệt hơn, các cầu thủ của đội bóng này thường xuyên đối diện với chấn thương vì quá tải trong vận động. Điển hình nhất là trường hợp của Tuấn Anh, cầu thủ thường xuyên ra sân với cái băng đầu gối.
Không được quan tâm đúng mức, các bác sĩ ở bóng đá Việt Nam thường đảm trách những việc đơn giản. Họ không giúp ích nhiều cho đội bóng hay cầu thủ mà mình có trách nhiệm phải phục vụ. Và hệ quả là bóng đá Việt Nam có quá nhiều cầu thủ bị chấn thương ở các giải đấu quyết định. Có không ít cầu thủ đã phải chia tay sân cỏ sớm vì sai lầm trong phương pháp chữa trị cũng như hồi phục.