Kinhtedothi - Ngay sau khi các cơ quan thông tin đăng tải vụ việc cơ quan công an phát hiện Công ty TNHH Công nghệ Việt Hồng (Công ty Việt Hồng) kinh doanh phần mềm Ptracker để truy cập bất hợp pháp vào điện thoại thông minh của người dùng, chiếm quyền điều khiển, lấy cắp thông tin…, Thượng tá Tạ Văn Biên - Phó Trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50), Công an TP Hà Nội cho biết, sẽ tiến hành điều tra mở rộng đối với các tổ chức, cá nhân liên quan.
Thu lợi bất chính hơn 900 triệu đồng
Trước khi bị cơ quan công an phát hiện, Công ty Việt Hồng đang kinh doanh, khai thác 2 phần mềm cài đặt trên máy điện thoại là Ptracker (dành cho khách hàng cá nhân và PtrackerERP (dành cho khách hàng doanh nghiệp). Cả 2 phần mềm này được sử dụng trên thiết bị chạy hệ điều hành Android. Nếu khách hàng có nhu cầu, có thể vào tải về tại trang web của công ty, nhắn tin để nhận đường link, hoặc nhân viên công ty trực tiếp cài trên máy. Thời gian cài đặt Ptracker khoảng 3 - 5 phút và không hiển thị trên màn hình của máy. Các file ảnh, ghi âm, video sinh ra từ việc khai thác các chức năng của phần mềm được tải lên máy chủ và không được lưu tại máy điện thoại cài phần mềm.
Phần mềm nghe lén được rao bán công khai trên mạng.
|
Sau khi cài đặt phần mềm, khách hàng của Công ty Việt Hồng có thể điều khiển Ptracker từ xa bằng SMS hoặc thao tác bằng cách đăng nhập vào tài khoản tại máy chủ qua website của Công ty Việt Hồng. Tại thời điểm kiểm tra, số lượng khách hàng đang sử dụng phần mềm là 670; 14.140 tài khoản từng cài Ptracker... Theo kết quả xác minh của thanh tra, từ tháng 9/2013 đến thời điểm thanh tra, công ty này đã thu lợi bất chính trên 900 triệu đồng.
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế và Đô thị về vụ việc này, luật sư Hoàng Văn Hướng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, hành vi của Công ty Việt Hồng có dấu hiệu của tội phạm hình sự, như tội "xâm phạm bí mật an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác"; tội "trộm cắp tài sản"… Những cá nhân tham gia thực hiện, quản lý điều hành hoạt động truy cập bất hợp pháp vào điện thoại của người khác đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Để xử lý hành vi vi phạm, trước hết phải xác định các bị hại là chủ các thuê bao điện thoại bị truy cập bất hợp pháp. Các bị hại cần thiết phải có đơn trình báo để làm căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật.
Đề cao cảnh giác
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, chuyên gia an ninh mạng Nguyễn Minh Đức cho biết, rất khó để người dùng phát hiện ra điện thoại của mình bị cài đặt phần mềm gián điệp ngoài một số dấu hiệu như: Thường xuyên thấy biểu tượng GPS xuất hiện trên góc màn hình dù người dùng không kích hoạt tính năng này; điện thoại đột nhiên có dấu hiệu chạy chậm; cước điện thoại, cước 3G tăng đột biến; pin điện thoại sụt bất thường.
Các chuyên gia cảnh báo, người dùng nên tự bảo vệ điện thoại của mình bằng việc không cho người ngoài mượn, cài mật khẩu, dùng thêm phần mềm bảo vệ điện thoại... Đặc biệt, các dòng điện thoại smartphone, điện thoại chạy hệ điều hành Android, iOS dễ bị cài phần mềm nghe lén nhất. Ngay cả các dòng điện thoại chạy hệ điều hành Symbian cũng có thể bị nghe lén. Chỉ những dòng điện thoại không có bất kỳ tính năng cài đặt nào mới tránh được nguy cơ bị đánh cắp thông tin. Nếu nghi ngờ điện thoại của mình đã bị cài đặt phần mềm nghe lén, người dùng nên mang điện thoại đến các trung tâm bảo hành chính hãng, có uy tín để kiểm tra và gỡ bỏ phần mềm “lạ”.
Nhà mạng bị qua mặt?
Đáng nói là trong vụ việc lần này, Công ty Việt Hồng đã sử dụng đầu số 81... để gửi cho khách hàng đường link cài đặt phần mềm Ptracker, tuy nhiên khi phóng viên báo Kinh tế & Đô thị hỏi Tổng đài chăm sóc khách hàng của các nhà mạng Viettel, VinaPhone, MobiFone… nhân viên đều không được biết về nội dung dịch vụ mà đầu số 81… cung cấp (?). Để làm rõ hơn, chúng tôi đã liên lạc với đại diện của các nhà mạng, nhưng đến chiều 24/6 vẫn chưa nhận được thông tin cụ thể về đầu số 81… này.
Hiện, Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) đang hoàn thiện cơ chế chuyển giao trách nhiệm cấp phát đầu số từ các doanh nghiệp viễn thông về lại Bộ TT&TT, không để các doanh nghiệp viễn thông tự cấp phát đầu số như hiện nay. Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son, cơ chế này là cách tốt nhất để hạn chế tin nhắn rác và quản lý tốt các dịch vụ nội dung của các nhà cung cấp nội dung qua đầu số (CSP).