Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dinh dưỡng cho trẻ bị bệnh tay chân miệng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Khi thấy con có các biểu hiện nổi các nốt phổng rộp trong miệng, lưỡi, lòng bàn tay, bàn chân, sốt nhẹ, tôi đưa con đi khám thì bác sĩ cho biết cháu bị tay chân miệng thể lành tính, không nên quá lo lắng.

Tuy nhiên, về nhà cháu rất lười ăn, tôi càng ép, cháu càng tỏ ra sợ hãi. Tôi không biết nên thực hiện chế độ dinh dưỡng thế nào cho hợp lý trong lúc trẻ đang bị bệnh tay chân miệng? - Nguyễn Thanh Xuân (Quận Hoàng Mai)
 
Bệnh tay chân miệng do siêu vi trùng đường ruột thuộc nhóm Coxasackieviruses và Enterovirus 71 gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, gặp nhiều nhất là ở trẻ dưới 3 tuổi. Trẻ bị tay chân miệng thường rất biếng ăn, thậm chí có thể bỏ ăn do các vết loét trong niêm mạc miệng gây đau, hơn nữa cơ thể sốt, đau họng, mệt mỏi cũng khiến trẻ chán ăn. Vì vậy, thức ăn cho trẻ cần chọn lựa sao cho mềm, mịn, mát nhằm tạo cảm giác dễ chịu khi ăn. Những thực phẩm có thể dùng cho trẻ như bột dinh dưỡng, sữa, sữa chua, phô mai… hoặc ăn các thức ăn như bình thường nhưng làm lỏng, mềm như cháo bột (kể cả trẻ lớn). Nếu trẻ ăn kém, nên chia nhỏ bữa ăn cho trẻ. Tuy nhiên cũng không ép trẻ ăn quá làm trẻ khóc, sẽ mệt mỏi hơn. Khi trẻ giảm bệnh (thường là sau 4 - 5 ngày) nên cho trẻ ăn trở lại bình thường, không kiêng khem. Cần chú ý muỗng (thìa) dùng để đút cho trẻ nên tránh những loại có cạnh sắc bén, để không đụng vào các vết loét ở đầu lưỡi và môi làm bé đau dẫn đến sợ hãi, không ăn. Cho trẻ uống bổ sung vitamin và khoáng chất theo chỉ định bác sĩ.