Định hình nét đẹp thời hiện đại

Lan Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Người Hà Nội không chỉ còn gói gọn trong dân cư của 36 phố phường, mà đã mở rộng đón nhận sự hội tụ từ bốn phương. Nét thanh lịch của người Tràng An cũng vì thế mà biến chuyển.

 Ảnh: Hồ Hạ
Bức tranh về Hà Nội xưa được hình dung qua những nét vẽ vô cùng đẹp đẽ. Ở đó, nam hay nữ khi ra đường đều khoác lên mình chiếc áo dài truyền thống, dáng vẻ lịch thiệp, khoan thai; ở đó người ta nói chuyện với nhau nhẹ nhàng, lúc nào cũng lễ phép, kính nhường. Ở đó dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng không so đo, kì kèo, giận hờn, quát tháo. TP lặng lẽ, êm đềm.
Nhiều người suy tư: Có phải nét đẹp văn hóa của người Hà Nội chỉ còn là quá khứ một thời, niềm tự hào không chỉ của riêng con người mảnh đất kinh đô mà của cả dân tộc giờ đã thành ký ức, để mỗi khi nhắc nhớ về nó, ta không khỏi chạnh lòng luyến tiếc. Nhưng có người lại cho rằng, không nên đưa ra khuôn mẫu ứng xử kiểu xưa cho người Hà Nội bây giờ. Người Hà Nội có thể mặc quần tây, váy áo điệu đà, nhưng vẫn có thể đẹp trong phong thái, điệu đi dáng đứng.
Trên tinh thần cởi mở trong cách ứng xử, Hà Nội là địa phương đầu tiên ban hành 2 bộ Quy tắc ứng xử (QTƯX) trong cơ quan hành chính thuộc TP và QTƯX nơi công cộng, để định hình nét đẹp văn hóa của người Hà Nội thời hiện đại: Đi làm đúng giờ, không sử dụng thời gian làm việc cơ quan để làm việc cá nhân, vứt rác đúng nơi quy định, không xô đẩy chen lấn nơi đông người…
Sau khi ban hành 2 bộ QTƯX, tại các đơn vị, cơ quan hành chính của 30 quận, huyện trên TP đã triển khai phổ biến, ký cam kết thực hiện. Những biến chuyển ứng xử văn hóa của người Hà Nội cũng vì thế mà chuyển biến rõ rệt. Ngay từ những ngày đầu Xuân 2018, cơ quan công sở không còn cảnh đi muộn về sớm, bỏ việc đi lễ hội. Bộ phận một cửa tập trung giải quyết hồ sơ cho người dân từ ngày mùng 6 Tết. Công viên, trường học sạch đẹp, văn minh hơn từ ý thức không vứt rác, hái hoa bừa bãi của mỗi người.
Tuy nhiên, nhìn lại một năm thực hiện, vẫn còn đâu đó những vụ việc khiến mọi người phải băn khoăn. Từ việc giải quyết giấy chứng tử ở phường Văn Miếu (quận Đống Đa), đến cách hành xử lạm quyền của cán bộ quận Thanh Xuân hay con đường quanh Hồ Gươm vẫn vương vãi rác sau đêm giao thừa...

Để Hà Nội trở thành trung tâm văn hóa, lan tỏa nét đẹp đến nhiều địa phương khác như mong muốn của những người yêu Hà Nội; năm 2018 việc đưa 2 bộ QTƯX đi vào cuộc sống, trở thành tiêu chí cho nếp nghĩ nếp làm của người Hà Nội trở thành mục tiêu của TP. Có thể sẽ có những mô hình thí điểm xử phạt người vi phạm QTƯX, nhưng trên hết từng địa phương xây dựng tiêu chí, cách ứng xử hay để cùng nhau giao lưu học hỏi và lan tỏa. Ứng xử văn hóa không thể thay đổi trong một sớm, một chiều nhưng với tinh thần quyết liệt tạo sự thay đổi, Hà Nội sẽ cuốn hút du khách quốc tế và bạn bè bốn phương không chỉ bằng di sản mà bằng tinh thần văn minh, mến khách.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần