Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Cân đối quỹ đất phát triển nhà ở, giảm lệch pha cung - cầu

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Do gia tăng dân số nhanh, Hà Nội đứng trước áp lực lớn về nhu cầu nhà ở. Nhìn tổng quan, Hà Nội đã đạt, thậm chí vượt chỉ tiêu về nhà ở, thế nhưng phân khúc nhà giá rẻ, nhà xã hội lại ngày càng thiếu hụt. Do đó, trong điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô tới đây, quy mô quỹ đất dành cho nhà ở xã hội ở mỗi phân khu quy hoạch cần được xác định rõ để thực hiện.

Nghịch lý chỗ thừa - nơi thiếu
Theo định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 1259/QĐ-TTg năm 2011 (QHC1259), nhà ở khu vực đô thị phấn đấu tăng từ 25,1m2/người lên tối thiểu 30m2 sàn sử dụng/người và nhà ở nông thôn tối thiểu là 25m2 sàn sử dụng/người.
Cụ thể hóa quy hoạch chung, TP đã xây dựng Chương trình phát triển nhà ở TP Hà Nội giai đoạn 2012 - 2020 và định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch phát triển nhà ở TP Hà Nội năm 2015 và các năm tiếp theo (giai đoạn 2016 - 2020).
Thời gian qua, TP Hà Nội đã nỗ lực tập trung phát triển các dự án nhà ở, khu đô thị mới đáp ứng nhu cầu an cư cũng như cải thiện chất lượng sống cho người dân. Thế nhưng một thực tế tồn tại là cơ cấu sản phẩm nhà ở còn nhiều bất cập. Nhu cầu nhà ở giá rẻ và trung bình là phân khúc chiếm 70% nhu cầu hiện vẫn rất thiếu, trong khi nhu cầu đối với loại hình nhà ở trung, cao cấp (có giá từ 25 triệu đồng/m2 trở lên) chỉ chiếm từ 20 - 30% nhưng nguồn cung nhà ở dạng này lại chiếm hơn 65% sản phẩm triển khai.
 Khu nhà ở xã hội tại phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm. Ảnh: Phạm Hùng
Tại báo cáo tóm tắt Rà soát, đánh giá Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội chỉ rõ, theo kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn TP Hà Nội có 40 dự án phát triển nhà ở phục vụ tái định cư với tổng diện tích sàn khoảng hơn 1,3 triệu m2. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay mới hoàn thành 19 dự án với hơn 371.000m2; 21 dự án đang triển khai, khi hoàn thành có khoảng hơn 963.000m2. Đối với nhà ở xã hội có 82 dự án, hiện hoàn thành 25 dự án  với 1,25 triệu m2; đang triển khai 57 dự án với 5,34 triệu m2 sàn.
Trong khi đó, nhà ở thương mại, đã có 348 dự án đầu tư xây dựng hoàn thành với hơn 21,5 triệu m2, tương đương 179.399 căn hộ. So với mục tiêu theo kế hoạch được duyệt (tổng diện tích khoảng 20,48 triệu m2), TP hoàn thành vượt hơn 1,1 triệu m2, với 9.503 căn hộ. Ngoài ra, hiện có 145 dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại đang triển khai với 23.108.300m2 sàn xây dựng nhà ở, tương ứng 164.469 căn hộ.
Theo tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, trên địa bàn TP Hà Nội, diện tích nhà ở bình quân đầu người là 26,1m2 /người, trong đó tại khu vực thành thị đạt 26,3m2 người và khu vực nông thôn đạt 25,9m2/người.
Đánh giá sau hơn 10 năm triển khai QHC1259, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trúc Anh cho hay, chỉ tiêu bình quân sàn nhà ở/người tại khu vực nông thôn đã vượt mục tiêu đề ra (đến năm 2030), trong khi chỉ tiêu bình quân sàn nhà ở/người tại khu vực đô thị chỉ tăng khoảng 1,2m2/người, chưa đảm bảo mục tiêu.
Ngoài ra, việc phát triển loại hình nhà ở giá rẻ còn chậm so với nhu cầu. Do đó, bên cạnh sự nỗ lực và quyết liệt từ phía chính quyền nhằm tìm ra giải pháp tháo gỡ những vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án nhà ở xã hội và nhà ở tái định cư, cần xem xét lại chỉ tiêu bình quân sàn nhà ở/người tại khu vực đô thị đến năm 2030 để đảm bảo tính khả thi.
Xác định rõ quỹ đất dành cho nhà ở xã hội
Theo tính toán của Bộ Xây dựng, từ nay đến năm 2030, mỗi năm cả nước cần thêm khoảng 70 triệu m2 nhà ở, trong đó riêng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chiếm 2/3 nhu cầu. TS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, nhằm đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho phần đông dân số, TP Hà Nội cần xác định rõ quy mô quỹ đất dành cho nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ ở mỗi phân khu quy hoạch. Dành tỷ lệ đất ở hợp lý trong tổng số đất đai quy hoạch để phát triển nhà ở xã hội, từ đó có kế hoạch đảm bảo nguồn cung phù hợp với nhu cầu nhà ở trong từng giai đoạn. Đồng thời, các đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 có quy mô từ 10ha trở lên có tỷ lệ bố trí đất xây nhà ở xã hội phải đảm bảo nguyên tắc dành bình quân 25% diện tích đất ở theo Nghị quyết của HĐND TP.
Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội là một chương trình hành động nhằm cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo của TP về phát triển đô thị theo hướng bền vững, thông minh, tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu; thực hiện đồng bộ việc cải tạo, chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị cũ. Một trong những chỉ tiêu của chương trình là đưa diện tích nhà ở bình quân lên 27,6 - 29,5 m2/người, tổng diện tích sàn nhà ở phát triển mới theo dự án khoảng 20,44 triệu m2; tổng số căn hộ nhà ở xã hội hoàn thành khoảng 25.000 căn hộ.
Để triển khai thực hiện chỉ tiêu này, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, Sở đã xây dựng Kế hoạch phát triển nhà ở TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025, trong đó chú trọng nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, tập trung triển khai cải tạo, chỉnh trang đô thị, phát triển hạ tầng kỹ thuật, nâng cao chất lượng sống của người dân; hoàn thành xây dựng Đề án khung cơ chế chính sách đặc thù để thúc đẩy tiến độ cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Đến nay, kế hoạch đã được Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy thông qua, Sở Xây dựng đang hoàn chỉnh, trình UBND TP ban hành trong thời gian tới.
Về giải pháp lâu dài nhằm đáp ứng cơ bản nhu cầu nhà ở của người dân, đồng thời gắn với phát triển đô thị theo hướng xanh, thông minh, bền vững, hiện đại, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trúc Anh cho biết, trong quá trình triển khai Điều chỉnh tổng thể QHC1259 tới đây sẽ cân đối lại Chương trình phát triển nhà ở của TP theo hướng giảm tại khu vực trung tâm, tăng tại các khu vực phát triển mới, đô thị vệ tinh, đô thị sinh thái, đảm bảo mục tiêu thu hút dân cư ra khỏi khu vực các quận và gắn kết với nơi làm việc mới (khu công nghiệp, khu công nghệ cao). Các khu nhà ở được đồng bộ về hạ tầng, bảo đảm chất lượng sống cho cư dân.

UBND TP Hà Nội đã có Quyết định 2461/QĐ-UBND phê duyệt Đề cương nhiệm vụ lập Chương trình phát triển nhà ở TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2030 và định hướng đến năm 2040.

Theo đó, TP sẽ tiến hành điều tra, khảo sát, đánh giá thực trạng nhà ở hiện nay trên địa bàn như: Nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư, nhà ở công vụ, nhà ở riêng lẻ khu vực đô thị và nông thôn. Đồng thời dự báo mục tiêu phát triển nhà ở đến năm 2030, định hướng đến năm 2040 và xác định nhu cầu về nhà ở của các nhóm đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà xã hội theo quy định, nhu cầu về diện tích đất để xây dựng các loại nhà ở từng khu vực trên địa bàn, các chỉ tiêu về phát triển nhà ở, mối liên hệ giữa phát triển nhà ở với yêu cầu về phát triển đô thị tại khu vực đô thị…