Tuy nhiên nếu như trước đây, việc dưa hấu, khoai lang… ứ đọng thành núi ở cửa khẩu hay rớt giá thê thảm do thương lái Trung Quốc không thu mua là do việc sản xuất theo phong trào, chạy theo nhu cầu ngắn hạn của thương lái thì nay câu chuyện đã hoàn toàn khác. Trung Quốc ngày càng siết chặt quy định thị trường, song người nông dân và DN sản xuất nước ta vẫn giữ tư duy cũ kỹ, chủ quan.
Sự việc của trái na Lạng Sơn hiện nay chỉ là kết cục sớm muộn bởi trái cây này không nằm trong danh mục được nhập khẩu chính ngạch vào Trung Quốc. Điều đáng nói, những khuyến cáo về thay đổi chính sách nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc đã được thông báo từ đầu năm 2018.
Ngoài áp dụng hạn ngạch thuế quan, Trung Quốc còn đưa ra một số yêu cầu riêng biệt hoặc siết chặt thực thi các quy định đối với nông thủy sản nhập khẩu. Đơn cử, từ tháng 5/2019, Trung Quốc yêu cầu thay đổi vật liệu đệm, lót dưa hấu là rơm bằng các xốp lưới nilon, với các sản phẩm mít và chuối sử dụng giấy dai kraft để bọc.
Ngoài ra, tất cả loại trái cây nhập khẩu vào Trung Quốc phải đăng ký mẫu tem truy xuất nguồn gốc tại cơ quan hải quan của Trung Quốc và dán tem nhãn này lên trên sản phẩm hoặc bao bì… Tuy nhiên, không ít DN Việt Nam còn thiếu thông tin, thậm chí là thờ ơ, chủ quan, nghĩ Trung Quốc là thị trường dễ tính nên không có sự chủ động đổi thay để đáp ứng yêu cầu, dẫn tới xuất khẩu gặp khó.
Lãnh đạo Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương đều nhận định Trung Quốc là một thị trường tiềm năng đối với xuất khẩu, nhất là nông sản Việt Nam. Thực tế trong nhiều năm qua, Trung Quốc liên tục là đối tác thương mại lớn, là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, sau Mỹ. Trong số 4 nhóm mặt hàng xuất khẩu chính sang Trung Quốc, nông lâm thủy sản chiếm tới trên 30% kim ngạch thương mại Việt – Trung.
Hiện nay, Việt Nam đã có 9 loại quả tươi được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc gồm: Thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm và măng cụt. Đối với thủy sản đã có 680 DN và 128 loại thủy sản được phía Trung Quốc chấp thuận cho phép xuất khẩu sang thị trường này. Không riêng gì Trung Quốc, nhiều nước khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, thị trường EU… cũng siết quy định khắt khe về quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng nông sản nhập khẩu.
Bởi vậy, DN, thương lái cũng như người nông dân Việt Nam phải thực sự nghiêm túc hơn trong việc định vị lại sản xuất theo nhu cầu cũng như yêu cầu của thị trường, trong đó có cả vai trò định hướng quan trọng của ngành nông nghiệp và các địa phương. Nếu chậm chân, câu chuyện nông sản rớt giá hay ùn ứ tại cửa khẩu sẽ còn tiếp diễn dài lâu.