Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy hiện số lượng DN cơ khí đang hoạt động và có kết quả kinh doanh là khoảng 25.014 DN chiếm gần 30% tổng số DN ngành công nghiệp chế biến chế tạo; với doanh thu thuận hoạt động sản xuất, kinh doanh là 1.465.008 tỷ đồng; tạo việc làm cho hơn 1 triệu lao động, chiếm gần 16% tổng số lao động trong các doanh nghiệp ngành chế biến chế tạo. Tuy nhiên Ngành Cơ khí mới đáp ứng được khoảng 32% nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước trong khi đó, mục tiêu đề ra phải đáp ứng được 45 - 50% nhu cầu sản xuất trong nước từ năm 2010.. Chất lượng sản phẩm cơ khí của DN nội nói chung còn thấp, giá thành sản xuất cao, thiếu sức cạnh tranh. Hiên ngành cơ khí còn thiếu nhiều DN lớn, mang tầm cỡ quốc tế, đóng vai trò dẫn dắt toàn ngành cơ khí; Trình độ cơ khí chế tạo đặc biệt là cơ khí chính xác (là trụ cột của sản xuất công nghiệp) còn lạc hậu so với nhiều nước.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh yêu cầu phải phát triển được một nền công nghiệp cơ khí từng bước hiện đại, làm nền tảng cho các ngành sản xuất công nghiệp - dịch vụ khác.“Đồng thời, ngành cơ khí Việt Nam phải phát triển với các sản phẩm có chất lượng, chi phí sản xuất thấp, sức cạnh tranh cao để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Để thực hiện mục tiêu này, đòi hỏi phải có sự nỗ lực của tất cả các doanh nghiệp, hiệp hội, các chuyên gia, nhà khoa học", Phó Thủ tướng nói. Ngoài ra, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, cần sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích hơn đối với ngành cơ khí nhằm tạo môi trường thuận lợi để huy động nguồn lực phát triển.
Thủ tướng NGuyễn XUân Phúc thăm quan các gian hàng giới thiệu sản phẩm cơ khí trưng bầy tại hội nghị |
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, cùng với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, Chính phủ đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ và ưu đãi để phát triển ngành cơ khí. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị cũng đã ban hành các kết luận, nghị quyết về định hướng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia, trong đó trọng điểm là ngành Cơ khí Việt Nam. Từ 2002, Thủ tướng Chính phủ ban hành các chiến lược phát triển ngành Cơ khí Việt Nam. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều cơ chế ưu đãi, khuyến khích phát triển ngành Cơ khí chế tạo.
Tuy nhiên đề ngành cơ khí phát triển Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành cần đẩy mạnh việc hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách đồng bộ đủ mạnh, tạo dựng thị trường hỗ trợ DN cơ khí phát triển, trong đó chỉ rõ những khoảng trống cho ngành cơ khí phát triển, những lĩnh vực mà ngành cơ khí Việt Nam có thể cạnh tranh được”. Trong đó đặc biệt chú ý các sản phẩm cơ khí trọng điểm có tiềm năng phát triển, trong đó nhà nước đóng vai trò “bà đỡ” thông qua việc nghiên cứu sửa đổi các quy định đấu thầu; xây dựng chính sách khuyến khích DN tiếp cận công nghệ tiên tiến, công nghiệp 4.0 , đào tạo nguồn nhân lực.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành địa phương, Bộ Công Thương xây dựng Nghị quyết Chính phủ về tầm nhìn 2025-2030, ban hành cuối năm nay. Các bộ, ngành có tầm nhìn về chính sách, nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường chống gian lận thương mại, buôn lậu nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng, vi phạm sở hữu trí tuệ liên quan đến ngành Cơ khí. Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan trong chính sách đấu thầu; đề xuất chính sách thu hút vốn đầu tư nước vào phát triển ngành Cơ khí; khẩn trương ban hành hướng dẫn cụ thể về công tác đấu thầu các dự án liên quan đến ngành cơ khí.