Nhận định được đâu là đáy của khủng hoảng, đâu là nhu cầu thực sự của thị trường… sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách tìm được câu trả lời cho bài toán tăng trưởng kinh tế trong năm nay.
Việc tiếp tục giảm lãi suất cho vay sẽ tạo cơ hội để doanh nghiệp phục hồi “sinh khí”. Trong ảnh: Lắp ráp đèn Compact tại Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông.Ảnh: Quỳnh Anh
Suy giảm do “khủng hoảng niềm tin”
PGS. TS Phạm Tất Thắng, Nghiên cứu viên cao cấp Viện Nghiên cứu thương mại nhận định: Khủng hoảng niềm tin ảnh hưởng lớn tới phát triển kinh tế. Người tiêu dùng nếu không có niềm tin vào thị trường, đương nhiên sẽ thắt chặt hầu bao. Niềm tin còn là sự tin tưởng của DN vào các giải pháp của Chính phủ. Thời gian qua, Chính phủ đã đưa ra nhiều gói giải pháp hỗ trợ, nhưng số lượng DN được thụ hưởng thực không nhiều. Ngoài ra, niềm tin của DN vào ngân hàng và niềm tin của ngân hàng vào DN cũng đang là vấn đề cần bàn tới. Người có tiền không dám cho vay, kẻ cần và muốn vay lại... không dám vay.Bàn về "khủng hoảng niềm tin", Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư Võ Trí Thành cho rằng: Năm 2012, mục tiêu lạm phát dưới 2 con số đã đạt được, nhưng mức 6,08% đã phần nào ảnh hưởng đến phát triển kinh tế: Sức cầu quá yếu, tổng đầu tư toàn xã hội chỉ còn 33% (thay vì 45% trong 2011). Nên có thể nói, Việt Nam đã ổn định kinh tế vĩ mô nhưng sự "thắt chặt" quá mức lại làm giảm sút niềm tin vào nền kinh tế.
Có thể thấy rõ điều này ở lĩnh vực bất động sản (BĐS). Theo GS. TSKH Đặng Hùng Võ, quy luật giá của BĐS cũng nằm trong quy luật chung của nền kinh tế, năm qua tiếp tục đi xuống. Trong khi thị trường BĐS huy động từ rất nhiều nguồn vốn, nhưng các nguồn vốn này lại phụ thuộc vào lòng tin của người tiêu dùng. Rất nhiều người đang bi quan về thị trường này, và băn khoăn chưa biết đầu tư vào đâu. Khi đặt câu hỏi đó, có nghĩa nhiều người mất niềm tin vào kênh đầu tư này, dẫn đến vốn đầu tư suy giảm.
Người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm tại Hapro Mart Đống Đa.Ảnh: Việt Linh
Khủng hoảng khi nào chạm đáy?
Xung quanh câu chuyện xác định đâu là đáy của khủng hoảng kinh tế, ông Võ Trí Thành nhận định: Nếu nhìn cả năm 2012 so với những năm trước và căn cứ vào dự báo của các chuyên gia kinh tế rằng, tăng trưởng kinh tế những năm tới sẽ cao hơn, thì thời điểm cuối năm 2012 đã thực sự là đáy. Nếu nhìn đáy theo khía cạnh thị trường thì “đáy của lòng tin" chính là quý IV/2012. Nếu so với dự báo tăng trưởng kinh tế tăng lên dần dần, thì "đáy của rủi ro" sẽ rơi vào khoảng năm 2014 - 2015.
GS. TSKH Đặng Hùng Võ cho rằng: Đang có nghịch lý trên thị trường BĐS. Cung và cầu đều lớn nhưng không gặp nhau. Đây chính là điều cần tháo gỡ trong năm 3013. Thị trường BĐS bắt đầu có dấu hiệu tốt sau những giải pháp của Chính phủ, nhưng vẫn chờ những cải cách mạnh tay hơn. Hy vọng nhờ đó, phân khúc thị trường nhà giá thấp, nhà cho những người đang có nhu cầu thật sự sẽ được "hâm nóng". Nếu hoàn cảnh thuận lợi thì người dân, nhà đầu tư sẽ sẵn sàng bỏ tiền ra mua nhà".
Còn trên thị trường bán lẻ, đại diện một DN lớn nhận định, lạc quan nhất thì cũng phải đến giữa năm 2013, sức mua mới hồi phục. Lượng tiền trong dân còn nhiều, song muốn khơi thông nguồn vốn phải khơi thông từ chính sách vĩ mô. Kiên định được chính sách vĩ mô là tín hiệu tích cực cho năm 2013.
Tuy nhiên, đại diện DN này cũng đề xuất, khi cân nhắc giữa giảm thu và giảm chi trong năm nay, Nhà nước nên tìm cách giảm thuế cho DN. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh vai trò của Sở Công Thương các địa phương nhằm giúp DN Việt tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường, đóng góp nhiều hơn vào GDP.
"Năm 2013, việc cứu DN là cấp thiết, bởi nếu không cứu được lực lượng nòng cốt này cả nền kinh tế vẫn rất khó khăn. Trong đó, quan trọng nhất là làm sao tiếp tục giảm lãi suất cho vay mới tạo cơ hội để phục hồi "sinh khí" cho DN. Ngoài ra, cần xem xét để đơn giản hóa các thủ tục hành chính bởi chúng cũng đang tạo ra chi phí rất lớn cho DN. Các giải pháp quản lý thị trường của Nhà nước phải được thực hiện một cách minh bạch, rõ ràng và đòi hỏi sự kiên quyết từ Chính phủ. Có như thế mới giúp DN lấy lại niềm tin, trụ được hoặc "nhúc nhắc" đi lên trong năm 2013." - PGS.TS Phạm Tất Thắng
|