Kinhtedothi - Trước những thông tin cảnh báo về dư lượng thuốc trừ sâu trên rau, người tiêu dùng (NTD) có xu hướng chọn rau sạch (rau an toàn) để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình. Tuy nhiên, có tìm “đỏ mắt” cũng không thể mua được rau sạch tại chợ truyền thống.
Nhà có con nhỏ, chị Hoàng Thùy (nhân viên văn phòng, ngụ tại quận Bình Tân) rất kỹ tính trong việc lựa chọn thực phẩm sạch trong khẩu phần ăn của con. Đến chợ, chị luôn hỏi người bán về nguồn gốc của rau trước khi mua. Kỹ lưỡng là vậy, nhưng chị than thở: “Mình chẳng thể tin được vì tiểu thương nào cũng “quảng cáo” rau của mình là rau sạch do không sử dụng phân bón nguồn gốc hóa học, đảm bảo thời gian thu hoạch sau phun thuốc bảo vệ thực vật. Giá rau mỗi nơi cũng khác, đơn cử như rau muống bình thường chỉ 5.000đ/bó (200gr), nhưng khi có mác sạch thì tăng lên 8.000đ – 10.000đ/bó”.
Thực tế, tại các chợ truyền thống “hạng sang” ở TP Hồ Chí Minh như chợ Bến Thành, chợ Tân Định, chợ Nguyễn Tri Phương hay các chợ lẻ khác…, rau xanh do tiểu thương tự phong là “rau sạch, rau an toàn” được trồng ở nhà hoặc lấy từ dưới quê lên nhan nhản ở các sạp hàng. Tuy nhiên, hầu hết những loại rau này không có bất kỳ chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền nào là rau sạch.
Tìm đến bà Bảy – người bán rau lâu năm ở chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình), bà thừa nhận: “Muốn tìm mua rau sạch tại chợ truyền thống rất khó vì hầu hết tiểu thương đều không bán. Người tiêu dùng có hỏi nhưng tôi cũng chào thua vì không có”.
Đa số NTD lựa chọn rau an toàn tại siêu thị chứ không chọn chợ truyền thống.
|
Giữa “mê trận” rau sạch thật giả lẫn lộn ở các chợ chưa có lời giải thì các cửa hàng rau sạch lại “mọc” khắp nơi ở TP Hồ Chí Minh khiến NTD nửa tin nửa ngờ về độ sạch của rau ở các cửa hàng này. Bởi, các loại rau này tuy được đóng gói bao bì cẩn thận, đẹp mắt nhưng lại thiếu nhãn ghi những thông tin chỉ dẫn theo quy định.
Tại quầy rau của cửa hàng thực phẩm sạch trên đường D2 (quận Bình Thạnh), chúng tôi thấy có ghi nơi xuất xứ sản phẩm tại Nha Trang, Đà Lạt… đạt tiêu chuẩn VietGap nhưng không ghi thông tin của nhà sản xuất, nhà sơ chế, người mua tự chọn như rau ở chợ (?!) Giá thành các loại rau tại đây dao động từ 45.000đ – 60.000đ/kg với rau ăn lá nhiệt đới như rau muống, mồng tơi, rau đay, rau dền, rau cải, bầu bí, dưa leo, khổ qua… còn các loại rau ôn đới như ớt chuông, cà chua, cà rốt, các loại xà lách… thì có giá cao hơn khoảng 30% so với siêu thị.
Bên cạnh đó, thị trường rau sạch online cũng sôi nổi không kém khi trưng ra cả giấy chứng nhận VietGap để tạo lòng tin với NTD. Chị Thu Trà (quận 2) đặt nghi vấn: “Có thể tại nơi sản xuất, rau họ trồng đạt chuẩn an toàn; nhưng khi đưa đến tay NTD thì họ lấy thêm rau ở những nơi khác làm sao mình biết?”
Tại HTX Nông nghiệp Ngã Ba Giồng (xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn – một trong những đơn vị đầu tiên được Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP HCM cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện tham gia chuỗi rau, quả; được quản lý theo chuỗi cung ứng sạch từ trang trại đến bàn ăn (VietGap), ông Trần Văn Hớt – chủ nhiệm HTX cho biết: “Rau an toàn VietGap phải trải qua một quy trình kiểm tra khắt khe từ khâu sản xuất, thu hoạch cho đến đóng gói. Được chăm sóc theo đúng quy trình, rau phát triển tự nhiên, vì thế không có vẻ ngoài bóng bẩy và xanh tươi như các loại rau dùng chất kích thích khác. So với rau ngoài chợ, vỉa hè không qua kiểm soát thì giá rau an toàn có thể cao hơn 20-40%. Tuy nhiên, khi mua rau an toàn NTD sử dụng được cả 100% (do được sơ chế) còn rau thường thì NTD phải nhặt bỏ đi khá nhiều trước khi sử dụng. Như vậy, tính lượng rau NTD thực tế sử dụng được thì giá rau sạch cũng chỉ tương đương với rau thường. Hiện nay, mỗi ngày HTX cung cấp cho thị trường trung bình 5 tấn rau, củ cho hệ thống các siêu thị như Co.op Mart, Viva Mart, một số trường học, xí nghiệp trên địa bàn TP HTX đang có kế hoạch mở rộng thị trường ra các chợ lẻ nhưng qua khảo sát, để rau VietGap vào chợ truyền thống còn rất nhiều khó khăn”.
Được biết, tại TP HCM, các đơn vị cung ứng chỉ mới cung cấp gần 30% sản lượng rau VietGap theo nhu cầu, phần còn lại được nhập về từ các tỉnh trong khu vực; đó là chưa kể nhu cầu tiêu thụ hơn 60 tấn/ngày từ các bếp ăn tập thể, suất ăn công nghiệp và trường học... tiềm năng còn rất lớn cho rau an toàn. Để rau an toàn được tiêu thụ mạnh hơn tại “sân nhà”, không thể thiếu những biện pháp kết nối tiêu thụ linh hoạt hơn từ các nhà quản lý. Điều quan trọng nữa là chính NTD phải nâng cao ý thức, ưu tiên chọn lựa sản phẩm sạch để đảm bảo sức khỏe gia đình.