Theo Cục Điều tiết điện lực, hóa đơn tiền điện tháng 7 giảm một phần do nhiệt độ ngoài trời giảm, nhu cầu tiêu thụ điện làm mát của các hộ gia đình giảm.
Sau dư luận bức xúc về việc hóa đơn tiền điện tháng 6/2014 của nhiều hộ gia đình tăng mạnh, đến tháng 7, dư luận lại xì xào ngạc nhiên về việc hóa đơn tiền điện giảm mạnh.
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương chiều nay (4/8), ông Đinh Thế Phúc, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho biết: Nguyên nhân chính khiến hóa đơn tiền điện của nhiều hộ gia đình giảm mạnh trong tháng 7 là do thời tiết tháng này đã giảm so với tháng 6 nên nhu cầu tiêu thụ điện phục vụ làm mát của các hộ gia đình giảm.
Cục Điều tiết điện lực cho rằng, việc tăng giảm tiền điện trong hóa đơn là bình thường (Ảnh minh họa:KT)
|
Theo phân tích của ông Phúc, khi nhiệt độ ngoài trời chênh với nhiệt độ trong nhà khoảng 5 độ C, cho dù cùng dùng thiết bị làm mát (máy điều hòa) như nhau, nhưng mức độ tiêu thụ điện năng sẽ khác nhau ở các thời điểm khác nhau. Khi nhiệt độ ngoài trời giảm, tiêu thụ điện phục vụ làm mát trong phòng sẽ giảm.
Theo kết quả kiểm tra tại EVN Hà Nội, trong tháng 7, số hóa đơn có mức tiền điện giảm 1,5 lần tới dưới 2 lần so với tháng 6 là 183.000 trường hợp; còn nếu mức giảm từ 2 lần trở lên thì có 75.000 trường hợp. Trước đó, thời điểm tháng 6 cũng có tới 79.000 trường hợp có hóa đơn tiền điện giảm so với tháng 5 tới 1,5 lần, còn giảm tới 2 lần thì có 42.000 trường hợp. Đến thời điểm tháng 7, vẫn có 110.000 trường hợp có hóa đơn tiền điện tăng 1,5 lần; 55.000 trường hợp tăng 2 lần.
Xét trong bối cảnh tương quan cùng kỳ năm 2014 với các năm khác, ông Phúc cho rằng, việc tăng giảm hóa đơn tiền điện như vừa qua là bình thường.
Một trong những nguyên nhân quan trọng nữa khiến hóa đơn tiền điện tháng 7 của nhiều hộ gia đình giảm mạnh, theo ông Phúc, do chốt số tiền điện giữa tháng 6 và tháng 7 có chênh nhau 1 ngày. Vì, tháng 6 có 31 ngày, còn tháng 7 có 30 ngày. Do đó, đây cũng là nguyên nhân khiến chênh lệnh mức tiền sử dụng giữa hai tháng rõ rệt.
Về điểm này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đồng quan điểm và lưu ý, “nếu hóa đơn tiền điện 300.000 đồng/tháng, chỉ cần chênh 1 ngày sử dụng cũng đã chênh 10 số điện cho tháng”.
Ông Phúc còn cho biết, hiện tại Hà Nội có 216 phòng giao dịch đã niêm yết thời gian ghi chỉ số công tơ điện công khai, các hộ gia đình có nhu cầu theo dõi, kiểm tra số công tơ điện có thể tham khảo lịch biểu này.