Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đô thị khang trang cần nhiều giải pháp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với mục tiêu đã được Đại hội Đại biểu lần thứ XVI Đảng bộ TP đề ra, năm 2016, công tác đầu tư cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, VSMT đô thị là một nhiệm vụ trọng tâm của ngành xây dựng.

Đô thị khang trang cần nhiều giải pháp - Ảnh 1
Năm 2016 cũng là năm thứ ba Hà Nội thực hiện “Năm trật tự và văn minh đô thị”. Báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Dục - Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội về những nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp mà ngành sẽ thực hiện trong năm 2016.

Xin ông cho biết, trong năm 2016, ngành Xây dựng đã đặt ra những mục tiêu trọng tâm gì?

- Một trong các nhiệm vụ trọng tâm của Sở Xây dựng trong năm 2016 đó là tiếp tục triển khai thực hiện “Năm trật tự và văn minh đô thị”. Đặc biệt, năm nay cũng là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu lần thứ XVI Đảng bộ TP nhiệm kỳ 2016 - 2020, tập trung đầu tư, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại, thân thiện với môi trường TP Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020.

Cùng với sự phát triển của đô thị thì các vấn đề hạ tầng kỹ thuật đô thị như cấp nước, thoát nước ngày càng chịu nhiều áp lực. Vậy, trong năm 2016, Sở Xây dựng có giải pháp nào để nâng cao chất lượng, giải quyết những điểm còn hạn chế trong công tác này?

- Sở Xây dựng đã xác định một số giải pháp cụ thể cho từng lĩnh vực, từng công việc. Như về cấp nước, tiếp tục đôn đốc các công ty cấp nước để giải quyết vấn đề bức xúc dân sinh về cấp nước cho người dân trên địa bàn TP. Trong đó, sẽ đôn đốc: Công ty CP Nước sạch Vinaconex do Tổng Công ty CP Vinaconex làm chủ đầu tư đảm bảo tiến độ hoàn thành tuyến ống truyền dẫn nước sông Đà (tuyến ống số 2); Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội hoàn thành dự án bổ sung nguồn nước thô cho Nhà máy nước Bắc Thăng Long - Vân Trì; Công ty CP Cấp nước Sơn Tây hoàn thành dự án cải tạo và nâng công suất cấp nước lên 30.000m3/ngày đêm; khởi công Nhà máy nước mặt sông Hồng 300.000m3/ngày đêm...

Thoát nước, giải quyết úng ngập, cải thiện môi trường sông, hồ trong TP cũng là một vấn đề quan trọng, đặc biệt trong tình hình nước ta đang phải chịu sự ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Cùng với các nhiệm vụ thường xuyên, trong năm 2016, mục tiêu đặt ra là hoàn thành dự án thoát nước và cải thiện môi trường - giai đoạn II.

Diện mạo của nhiều tuyến phố trong thời gian qua đã có những thay đổi rất tích cực, mong muốn của người dân đó là ngày càng có nhiều tuyến phố sáng, xanh, sạch, đẹp. Vậy, kế hoạch của Sở về lĩnh vực này thế nào, thưa ông?

- Trong năm 2015, việc thanh thải, sắp xếp các đường dây, cáp đi nổi trên các tuyến phố đã có những kết quả rất rõ nét và nhận được sự phản hồi tích cực từ phía người dân. Sang năm 2016, công tác này sẽ được tiếp tục thực hiện trên các tuyến phố. Nâng cao hiệu quả của hệ thống chiếu sáng đô thị cũng góp phần đáng kể để xây dựng một diện mạo đô thị khang trang, hiện đại. Sở Xây dựng có kế hoạch thực hiện thí điểm đầu tư nâng cấp hệ thống chiếu sáng công cộng TP bằng nguồn lực xã hội theo hướng sáng hơn, hiện đại hơn, tiết kiệm điện năng. Cùng với đó, thực hiện tốt công tác duy trì VSMT theo quy trình công nghệ mới với tiêu chí tiến dần đến cơ giới hóa việc quét, thu gom rác thải trên các tuyến phố, các ngõ xóm.
Một góc khu đô thị kiểu mẫu quận Hoàng Mai. Ảnh: Công Hùng
Một góc khu đô thị kiểu mẫu quận Hoàng Mai. Ảnh: Công Hùng
Để giữ đường phố sạch, công tác chống bụi cũng được đặc biệt quan tâm, Sở Xây dựng đã yêu cầu tập trung kiểm tra các công trình xây dựng của các dự án và nhà dân, công trình phải có che chắn, có biện pháp chống bụi; xe chở vật liệu, đất, phế thải xây dựng phải đảm bảo quy định, kín, khít không để rơi vãi, không để nước chảy ra đường. Tăng cường tưới nước chống bụi, rửa đường, hè và xử phạt nghiêm các trường hợp gây bụi bẩn, mất VSMT. Sở cũng đã thực hiện thường xuyên và chất lượng việc cắt tỉa cây xanh đường phố để đảm bảo mỹ quan đô thị, ATGT. Về chỉnh trang mặt phố, tiếp tục dỡ bỏ mái che, mái vẩy, xóa bỏ chợ cóc, chợ tạm; sắp xếp biển quảng cáo, biển hiệu theo đúng quy định.

Quản lý trật tự xây dựng luôn  là nhiệm vụ “nặng” và phức tạp. Làm thế nào để nâng cao hiệu quả quản lý cũng luôn là câu hỏi lớn. Quan điểm của ông về vấn đề này?

- Tôi cho rằng, để nâng cao hiệu quả của công tác quản lý trật tự xây dựng thì không gì hơn đó là đề cao tính trách nhiệm, sự quyết liệt và nâng cao hiệu quả phối hợp. Sở Xây dựng đã yêu cầu lực lượng Thanh tra xây dựng phải tăng cường kiểm tra, giám sát xây dựng theo quy hoạch, theo giấy phép xây dựng tại các công trình, nhà ở đặc biệt là trên các tuyến phố, tuyến đường, nút giao thông mới mở. Sở cũng đã và sẽ tiếp tục thực hiện kế hoạch thanh tra công vụ định kỳ, đột xuất để kịp thời phát hiện và xử lý hành vi nhũng nhiễu, bao che, cố tình làm trái của Thanh tra xây dựng. Sở cũng đã đề xuất TP chỉ đạo UBND cấp huyện thực hiện nghiêm quy chế của UBND TP về phối hợp quản lý trật tự xây dựng; chỉ đạo UBND cấp xã tăng cường kiểm tra, ngăn chặn ngay từ khi mới phát sinh các sai phạm, kiên quyết xử lý không để tồn đọng các vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn.

Xin cảm ơn ông!

 
Theo kế hoạch của TP, chỉ tiêu phát triển nhà năm 2016 về nhà ở thương mại là 3,5 triệu mét vuông; nhà ở xã hội là 950.000m2; nhà ở công nhân thuê là 110.000m2; nhà ở sinh viên 150.000m2 và nhà tái định cư 175.000m2. Nhiệm vụ đặt ra đối với ngành Xây dựng là phải tiếp tục rà soát, triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường bất động sản trên địa bàn; nghiên cứu, điều chỉnh quy hoạch, quy mô các dự án, tạo điều kiện đa dạng hóa sản phẩm; kiểm tra, rà soát công tác phát triển nhà ở trên địa bàn TP tại các phân khúc; cùng với các quận rà soát, kiểm tra tình hình cải tạo chung cư cũ.