Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội: Thấu trách nhiệm, hiểu lòng cử tri

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Qua 70 năm, từ Quốc dân đại hội Tân Trào tiến tới sự ra đời của Quốc hội Khóa I đến...

Kinhtedothi - Qua 70 năm, từ Quốc dân đại hội Tân Trào tiến tới sự ra đời của Quốc hội Khóa I đến nay, trong 13 nhiệm kỳ Quốc hội, các thế hệ ĐB Quốc hội và Đoàn ĐB Quốc hội Hà Nội đã phát huy vai trò, vị trí là ĐB đại diện của Nhân dân, thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, xứng đáng với sự tin tưởng của cử tri Thủ đô.

Chặng đường đã qua

Theo nhà sử học Lê Mậu Hãn, người nghiên cứu rất nhiều về lịch sử hoạt động của Quốc hội, Cuộc Tổng tuyển cử năm 1946, tại Thủ đô Hà Nội có 74 ứng cử viên ra tranh cử để chọn ra 6 ĐB. Ngày 10/12/1945, danh sách ứng cử viên khu vực Hà Nội được niêm yết rộng rãi; tiểu sử kèm theo ảnh cũng đăng trên báo, nhưng cử tri còn muốn được trực tiếp nghe các ứng cử viên nói rõ chương trình hành động của mình. Chiều 5/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến Việt Nam học xá (nay là trường ĐH Bách khoa Hà Nội) cùng các ứng cử viên khác gặp gỡ các cử tri. Trước các ứng cử viên và đông đảo đồng bào Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: Làm việc nước bây giờ là hy sinh, là phấn đấu quên lợi riêng mà nghĩ đến lợi chung… Những ai muốn làm "quan cách mạng" thì nhất định không nên bầu. Không ai ép, không ai mua, toàn dân sẽ thực hiện quyền dân chủ của mình.
Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội tại buổi tiếp xúc cử tri quận Đống Đa.  	Ảnh: Phạm Hùng
Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội tại buổi tiếp xúc cử tri quận Đống Đa. Ảnh: Phạm Hùng
Trong ngày hội bầu cử đầu tiên, tại Thủ đô Hà Nội, 172.765 cử tri trong tổng số 187.000 cử tri toàn TP đã “chọn mặt gửi vàng” vào 6 ĐB: Chủ tịch Hồ Chí Minh, bác sĩ Trần Duy Hưng, luật sư Vũ Đình Hòe, bác sĩ Nguyễn Văn Luyện, kỹ sư Hoàng Văn Đức và giáo sư Nguyễn Thị Thục Viên.

Trải dài suốt 70 năm xây dựng và trưởng thành của Quốc hội, 13 khóa Quốc hội, Đoàn ĐB Quốc hội Hà Nội có gần 350 người, với nhiều ĐB giữ trọng trách cao của đất nước, đã cống hiến tài năng, trí tuệ, tâm huyết, với tinh thần trách nhiệm cao và hoàn thành trách nhiệm của người ĐB được Nhân dân tin tưởng giao phó, góp phần không nhỏ vào những thành tựu chung của Quốc hội Việt Nam. Như tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa I (từ ngày 1 đến 4/12/1953), Chính phủ đã trình dự án Luật Cải cách ruộng đất, ĐB Hoàng Văn Đức đã nhấn mạnh: “Cải cách ruộng đất mở cho công thương một triển vọng tốt đẹp, đem lại cho các người tiểu tư sản, tư sản dân tộc một cơ hội tốt để đem tài sức ra phục vụ nông dân, phục vụ Nhân dân, phục vụ kháng chiến. Đại diện cho nhóm ĐB dân chủ trong Quốc hội, chúng tôi hoàn toàn tán thành và hoan nghênh bản đề án Luật Cái cách ruộng đất”. Ngày 4/12/1953, toàn thể Quốc hội đã biểu quyết nhất trí tán thành Luật Cải cách ruộng đất…

Từ ngày toàn quốc kháng chiến, đến hòa bình lập lại và thời kỳ đất nước bắt đầu đổi mới, các ĐB Quốc hội Hà Nội tùy theo cương vị của mình đã gánh vác trọng trách trong mọi nhiệm vụ, thực sự là những ĐB ưu tú của Nhân dân, do dân lựa chọn, vì quyền lợi của dân tộc mà phấn đấu. Một số ĐB Quốc hội đã hy sinh oanh liệt, nêu cao ý chí: “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, trong đó có ĐB Nguyễn Văn Luyện.

Nhìn lại chặng đường đã qua, nguyên ĐB Quốc hội (các khóa VI, VIII, IX) Phạm Lợi đã bày tỏ, năm 1946, ông còn là đội viên đi đánh trống ếch cổ động trong ngày Tổng tuyển cử. Hơn 30 năm sau ông được tham gia Quốc hội. Đó là khoảng thời gian tự hào, hạnh phúc không thể nào quên. Nhân dân muốn Quốc hội đổi mới mạnh hơn nữa, nhất là tăng cường giám sát thực hiện lời hứa một cách thực chất, đổi mới tiếp xúc cử tri, cần có thêm các cuộc khảo sát, gặp gỡ, đối thoại… Đây là kênh cần thiết để các ĐB thực sự làm việc vì trách nhiệm với dân.

Và những đổi mới hiện tại

Thời điểm lịch sử rất đáng nhớ là sau khi thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội, ngày 20/8/2008 đã diễn ra Hội nghị hợp nhất đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội và tỉnh Hà Tây. Sau khi hợp nhất, Đoàn có 34 ĐB Quốc hội (đến Kỳ họp thứ 6, một ĐB được miễn nhiệm do chuyển công tác, còn 33 ĐB). Nhiệm kỳ này cũng đánh dấu những bước đổi mới rất tích cực của Đoàn ĐB Quốc hội Hà Nội trong tất cả các hoạt động. Tổng kết lại hoạt động của nhiệm kỳ, Chủ tịch HĐND TP, Trưởng đoàn Quốc hội TP Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh khi đó đã nhận xét: Việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp vào 51 dự án Luật đã được tiến hành theo hướng ngày càng đi vào chiều sâu, nâng cao chất lượng, phát huy trí tuệ của các vị ĐB trong Đoàn và đội ngũ chuyên gia. Hoạt động tiếp xúc cử tri cũng được mở rộng ra loại hình thức tiếp xúc cử tri nơi cư trú, nơi công tác. Hoạt động giám sát được đẩy mạnh vừa gắn với những hoạt động vĩ mô vừa gắn với các vấn đề dân sinh bức xúc. Nhận xét về hoạt động của Đoàn ĐB Quốc hội Hà Nội Khóa XIII, nhiều ý kiến cho rằng, đây là một nhiệm kỳ đặc biệt và ấn tượng. Không chỉ bởi ĐB trong Đoàn nhiều người giữ trọng trách tại các cơ quan T.Ư và TP mà đây thực sự là một nhiệm kỳ sôi động. 93 dự án luật, nghị quyết đã được Đoàn thực hiện lấy ý kiến đóng góp dưới nhiều hình thức, lắng nghe nhiều chiều. Đặc biệt là hai đạo luật quan trọng là Hiến pháp năm 2013 và Luật Thủ đô. Ngày 21/11/2012, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIII đã thông qua Luật Thủ đô, TP đã xây dựng 16 văn bản quy phạm pháp luật để cụ thể hoá các quy định của Luật Thủ đô. Sự ra đời của Luật Thủ đô không phải dành cho Hà Nội đặc quyền, đặc lợi mà là nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật áp dụng cho một đơn vị hành chính đặc thù – đô thị đặc biệt, tạo ra cơ chế phù hợp với yêu cầu về xây dựng, phát triển. Hoạt động tiếp xúc cử tri, giám sát… trong nhiệm kỳ này cũng tiếp tục được đổi mới khi hạt động tiếp xúc chuyên đề, nơi cư trú, nơi công tác được tăng cường, phản ánh tới Quốc hội những vấn đề nóng, bức xúc được nhiều cử tri quan tâm…

Tổng kết lại hoạt động của nhiệm kỳ, Trưởng Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội Phạm Quang Nghị đã khẳng định: Phương thức, chất lượng hoạt động của Đoàn tiếp tục đổi mới, xứng đáng là người ĐB cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Trong đó, nguyên nhân quan trọng là không khí sinh hoạt dân chủ, cởi mở, các ĐB trong Đoàn đều có quyền tự do bày tỏ quan điểm cá nhân trên tinh thần xây dựng, ý thức trách nhiệm cao. Hoạt động của Đoàn và ĐB tại kỳ họp được phát huy tích cực, có hiệu quả, đã góp phần khẳng định vị trí, vai trò của Đoàn ĐB Quốc hội Hà Nội.