Cụ thể, hiện doanh nghiệp ngoại đang chiếm 70% thị phần bán lẻ qua kênh cửa hàng tiện lợi, 17% qua kênh trung tâm thương mại - siêu thị, 15% qua kênh siêu thị mini và 50% qua kênh bán hàng trực tuyến, truyền hình, điện thoại… Các con số trên đều tăng đáng kể so với 2015.
Một trong những yếu tố chính khiến doanh nghiệp ngoại có thể tăng mạnh thị phần nằm ở chính sản phẩm được cung ứng. Trong năm qua, hàng ngoại được nhập khẩu với số lượng nhiều hơn, giá thành rẻ hơn cũng như chất lượng, mẫu mã đều rất phong phú, hơn hẳn hàng trong nước, Bộ Công thương lý giải.Bên cạnh đó, số lượng các vụ mua bán - sáp nhập (M&A) cũng tăng mạnh khiến sự xuất hiện của những hãng bán lẻ ngoại ngày càng nhiều hơn. Nếu như trong năm 2015, Việt Nam có 525 thương vụ M&A với tổng giá trị trên 4,3 tỷ USD thì sang năm 2016 đã có khoảng gần 600 thương vụ với trị giá gần 6 tỷ USD.Điển hình là các thương vụ như: Tập đoàn TCC (Thái Lan) mua Metro Cash&Carry, Tập đoàn Central Group (Thái Lan) mua hệ thống Big C, Tập đoàn đồ uống Singapore F&N mua 5,4% vốn điều lệ Vinamilk... Ngoài ra, các Tập đoàn bán lẻ như Lotte hay Aeon đều có kế hoạch tăng cường sự hiện diện của mình tại Việt Nam bằng các mở thêm những trung tâm thương mại hoặc khu mua sắm mới.Trước xu hướng này, bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, sự có mặt và liên tục mở rộng quy mô của các hãng bán lẻ lớn trên thế giới đang khiến cạnh tranh trong lĩnh vực này của các nhà bán lẻ Việt Nam ngày càng khó khăn. Để tồn tại các hãng bán lẻ nội không còn cách nào khác là phải nâng sức cạnh tranh và chủ động tìm cho mình những hướng đi riêng.Theo thống kê của Bộ Công Thương, trong năm 2016, tổng doanh thu của thị trường bán lẻ ước đạt 2,67 triệu tỷ đồng, trong đó riêng kênh thương mại điện tử chiếm khoảng 5 tỷ USD, tăng mạnh so với con số 2,2 tỷ USD của năm 2013.