KTĐT - Lường trước việc điện, xăng, dầu, nguyên liệu đầu vào sẽ tăng giá, song không ít doanh nghiệp lo ngại vì mức tác động quá lớn. Chi phí đầu vào tăng cao, khiến họ phải tìm cách "thắt bụng" để đối phó.
Cả tuần nay, ông Lưu Văn Quảng, Chủ tịch Công ty cổ phần VEESANO như ngồi trên đống lửa. Có ít nhất 4 đối tác, bạn hàng đã gửi thông báo về đợt điều chỉnh phí đầu vào cước vận chuyển mới, tăng 15% so với bình thường.
Những ngày đầu năm, ban lãnh đạo công ty đã ngồi lại với nhau để đánh giá tình hình, đồng thời vẽ ra kịch bản xấu nhất khi chi phí đầu vào tăng cao. Tại thời điểm ấy, ông Quảng đánh giá rằng 2011 là năm khó khăn, song doanh nghiệp vẫn có thể vượt được. Bởi họ đã được "tôi luyện" qua giai đoạn khủng hoảng của năm 2009.
"Thế nhưng, sau gần 2 tháng nhìn lại, chúng tôi thấy rằng, 2011 mới là năm đặc biệt khó khăn", ông Quảng nói. Ông phân tích đợt điều chỉnh tỷ giá vừa qua đã khiến doanh nghiệp nhập khẩu các nguyên liệu về sản xuất trong nước gặp khó khăn đáng kể. VEESANO là doanh nghiệp sản xuất đồ chơi bằng gỗ và các sản phẩm may mặc cho trẻ em. Gỗ sơn và nguyên liệu may đều được nhập ngoại, do vậy, tỷ giá đồng ngoại tệ được coi là tác động vòng ngoài. Tiếp đó là việc, giá điện, xăng dầu tăng cùng một lúc. Trong khi cơ cấu giá thành điện và xăng dầu chiếm một tỷ lệ khá lớn.
Ông Quảng cho biết xưởng sản xuất của công ty đặt tại Hóc Môn, TP HCM. Các sản phẩm này lại được chuyển đi phân phối tại các điểm bán trên toàn quốc. Như vậy, hai khoản chi phí tác động trực tiếp tới hoạt động sản xuất của công ty chủ yếu vẫn là điện và xăng dầu. "Giá điện cũng tăng khoảng 15% nữa, rồi đời sống công nhân, lương người lao động. Chắc chắn thời gian tới, tình hình sẽ cực kỳ khó khăn khi chi phí đầu vào của chúng tôi bị đội tới gần 19%", ông Quảng nói.
Không trông chờ vào các chính sách hỗ trợ ngay từ Chính phủ, ông Quảng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp chỉ còn cách tiết kiệm triệt để. "Các chi phí hội hè, tiếp khách, quảng cáo, công tác chắc chắn sẽ được chúng tôi cắt giảm triệt để trong thời gian tới", ông tiết lộ.
Chủ tịch Hiệp hội Thêu đan TP HCM - Diệp Thành Kiệt chia sẻ: "Không cần nói thì cũng đủ biết doanh nghiệp sản xuất gặp khó khăn như thế nào khi giá điện, xăng, dầu được điều chỉnh cùng một lúc".
Ông cho biết hồi đầu năm khi tỷ giá được điều chỉnh, các thành viên trong hiệp hội đưa ra nhận xét rằng: Chính sách này khiến doanh nghiệp cảm thấy vừa mừng, vừa lo. Bởi nguyên liệu nhập vào có tăng cao do tỷ giá tăng song hàng xuất đi lại được hưởng lợi khi đồng đôla lên giá. Tuy nhiên, cái mừng mới chỉ le lói thì cái lo lại ập đến khi giá điện và xăng được điều chỉnh bởi không có doanh nghiệp nào sản xuất kinh doanh lại không dùng điện và các nhiên liệu như xăng dầu...
Theo ông Kiệt, nếu xét theo sự tác động trực tiếp của đợt điều chỉnh giá điện lần này thì chi phí của doanh nghiệp chỉ đội lên khoảng 1-3%. Tuy nhiên, tác động gián tiếp lại rất lớn bởi độ trượt giá khiến đời sống người lao động gặp khó khăn, doanh nghiệp lại phải tìm cách tăng lương, đảm bảo đời sống cho họ. "Mức tăng chi phí trực tiếp nếu nhìn bình thường thì thấy nó rất nhỏ nhưng đánh giá tác động về lâu dài lại rất lớn", ông Kiệt nói.
Ông cho biết trong bối cảnh khó khăn chung, việc đầu tiên các doanh nghiệp có thể làm là cắt giảm chi phí, hạn chế tối đa các sản phẩm lỗi, hỏng... Khi sức chịu đựng không thể nữa, họ sẽ nghĩ đến việc tăng giá bán sản phẩm.
Chủ một doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm nhựa cho hay ông vừa quyết định dừng vận hành một dây chuyền sản xuất để tập trung cho sản phẩm chiến lược vì không "chịu nổi nhiệt" khi giá điện và xăng tăng cao. Dây chuyền này vừa được ông đưa vào sản xuất cách đây 2 tháng. "Trong bối cảnh hiện nay, tập trung vào lĩnh vực chiến lược, tiết kiệm chi phí là giải pháp tốt nhất giúp doanh nghiệp sống sót qua cơn sốt giá cả", ông nói.
Từ tuần trước, một số nhà sản xuất đã gửi thông báo tới hệ thống các siêu thị về đợt tăng giá bán mới với nhiều nhóm mặt hàng. Theo Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội - Vũ Vinh Phú, việc tăng giá nhiều nhóm mặt hàng dưới tác động của giá điện và xăng dầu là chuyện chắc chắn xảy ra. "Cái có thể nhận thấy rõ nhất là sữa, dầu ăn, giấy đã tăng giá. Cước vận tải, bánh kẹo và nhiều nhóm mặt hàng khác đang rục rịch tăng. Tôi cho rằng cơn sốt tăng giá chắc chắn sẽ xảy ra trong vòng 15 ngày nữa", ông Phú cho biết.
Theo giới chuyên gia, việc tăng giá điện, xăng, dầu... được Chính phủ giải thích là chuyện không thể đừng khi bị tác động bởi giá thế giới, chi phí đầu vào. "Nếu đặt vào địa vị Chính phủ, có lẽ, chúng tôi cũng không có lựa chọn nào khác vì giá cả không thể cứ 'nén' mãi. Vấn đề còn lại là các giải pháp kiểm soát giá cả ra sao để không xảy ra các đợt tăng đột biến", vị chuyên gia này nói.
Ông Vũ Vinh Phú bổ sung thêm, ngoài việc kiểm soát giá bán ra, cơ quan quản lý phải kiểm soát được các chi phí đầu vào từ khâu sản xuất và phân phối. "Khi khâu phân phối còn vòng vèo và qua nhiều khâu trung gian thì người tiêu dùng còn lâu mới tiếp cận được các sản phẩm giá rẻ", ông Phú nhấn mạnh.