Chương trình có sự đồng hành của Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS); Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVPower); Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco).
Khuynh hướng tiêu dùng tại Việt Nam đang có sự thay đổi mạnh và ngày càng hiện đại, do đó, để có thể theo kịp, doanh nghiệp cần thường xuyên đổi mới, mang lại những giá trị riêng biệt, gắn kết giữa người tiêu dùng với thương hiệu.
Tại Hội nghị, ông Bùi Huy Hoàng Phó giám đốc Trung tâm Tin học và công nghệ số, Cục Thương mại Điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương) cho biết, theo báo cáo tại Sách trắng Thương mại điện tử 2018, do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phát hành, năm 2018 toàn ngành thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam đạt quy mô 8,06 tỷ USD, tỷ lệ tăng trưởng 30% so với năm 2017, bao gồm cả hàng hóa và dịch vụ - một tín hiệu đáng mừng đối với ngành TMĐT ở Việt Nam, khi mà các hoạt động kinh doanh, giao dịch trực tuyến bằng công nghệ hiện đại đang dần thay thế các hình thức mua bán truyền thống.
Ông Hoàng cũng nhận định, với thế mạnh là dân số trẻ cũng như lượng người dùng smartphone chiếm tỷ trọng lớn, lượng người giao dịch TMĐT trên smartphone ngày càng nhiều. Việt Nam hiện là quốc gia được đánh giá là một trong những thị trường TMĐT tiềm năng và có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
|
Ông Bùi Huy Hoàng - Phó giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số - Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương. |
Ông Nguyễn Xuân Vinh, Giám đốc Công ty Food Hub cho biết, trong khi 10 năm trước, đại đa số NTD lựa chọn mua thực phẩm ở chợ truyền thống, hiện con số này chỉ chiếm khoảng 35%. Sự tiện lợi và đa dạng của thực phẩm, dễ chọn, dễ mua, giá cả phù hợp. Với sự ra đời của các đại siêu thị, sự phổ cập của các siêu thị mini và chuỗi cửa hàng, NTD đã thay đổi hoàn toàn hành vi mua sắm.
|
Ông Nguyễn Xuân Vinh, Giám đốc Công ty Food Hub. |
Từ các bài tham luận của các chuyên gia, Hội nghị cũng đã kết luận và đưa ra một số giải pháp mang tính khái quát để có thể định hình xu hướng phát triển TMĐT trong thời gian tới, như: hoàn thiện khung pháp lý cho phát triển TMĐT; hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin; hạ tầng logistic; giải pháp về thị trường, bao gồm: nhận thức và đào tạo, hỗ trợ DN phân phối hàng hóa trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, để TMĐT Việt Nam tiếp tục phát triển nhanh chóng và bền vững, cần có sự đồng hành của tất cả các bên từ Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, chính quyền địa phương và đặc biệt là sự chủ động của chính các DN trong nền kinh tế, khi mạnh dạn áp dụng các loại hình công nghệ mới, phương thức thương mại mới trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.