Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp dệt may vẫn lúng túng với TPP

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau niềm vui khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) kết thúc đàm phán, mỗi DN dệt may lại nhìn thấy những thách thức về nguyên liệu, các quy tắc về xuất xứ, nhân công…

Doanh nghiệp dệt may vẫn lúng túng với TPP - Ảnh 1Sau niềm vui khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) kết thúc đàm phán, mỗi DN dệt may lại nhìn thấy những thách thức về nguyên liệu, các quy tắc về xuất xứ, nhân công… để có thể tận dụng những cơ hội đang mở ra.

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, ông Phí Ngọc Trịnh - Phó Tổng giám đốc Công ty CP May Hồ Gươm chia sẻ, các DN dệt may Việt Nam rất trông chờ Hiệp định TPP. Chỉ đơn cử đối với thị trường Mỹ, khi TPP được thông qua thì cơ hội cho dệt may Việt Nam vào thị trường này là rất lớn.

Khi gia nhập TPP, các DN dệt may Việt Nam sẽ tận dụng được những cơ hội gì, thưa ông?

- Nói về cơ hội, trước hết các DN xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam vào Mỹ đang phải chịu thuế nhập khẩu từ 10 – 26%, nhưng sau khi TPP được ký kết thì các dòng thuế sẽ được giảm xuống 0 - 10%. Vì vậy, các đơn hàng sẽ tăng mạnh hơn đối với các nước trong khối TPP. Ngoài ra, Việt Nam sẽ đón nhận nhiều đơn hàng, được sự lựa chọn về các mặt hàng, đơn hàng mình sản xuất phù hợp với tay nghề cũng như chuyên môn hóa của mình.

Vậy còn thách thức?

- Về lâu dài, TPP đòi hỏi một nguyên tắc xuất xứ, nhưng các DN Việt đang có khó khăn về nguồn vải, vì chưa thể nào đáp ứng được nguồn nguyên liệu này, trong khi đó các thành viên khác của TPP cũng không phải chủ lực, đơn vị mạnh về cung cấp nguyên vật liệu trong ngành may. Nên có thể nói đó là thách thức rất lớn cho các DN dệt may trong việc tìm các nguồn nguyên liệu phụ trợ. Bên cạnh đó, DN may cạnh tranh khốc liệt, vì vừa phải cạnh tranh với các DN trong nước, vừa phải cạnh tranh với các DN đến từ nước ngoài. Điều đó cũng xuất phát từ thực tế, để đón TPP, nhiều DN nước ngoài đã chủ động đầu tư khá quy mô vào Việt Nam, thậm chí có thể đáp ứng được những đơn hàng lớn. Đồng thời, nguồn tài chính của DN nước ngoài rất mạnh, khi đầu tư lại rất bài bản… tạo sức ép cạnh tranh đối với DN dệt may Việt Nam.

Ở góc độ DN, phần lớn DN trong nước chỉ biết mở rộng sản xuất, giảm chi phí, tăng năng suất lao động, cải tiến máy móc thiết bị... để có thể tạo sức cạnh tranh khi xuất khẩu. Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết để được hưởng thuế bằng 0% là phải có nguyên phụ liệu từ các nước TPP hoặc là từ các nước xuất khẩu. Trong khi đây là hạn chế của nhiều DN dệt may trong nước. Đây cũng có thể là nguyên nhân dẫn tới việc không ít DN dệt may chưa thực sự quan tâm đến những lợi ích từ hiệp định TPP.

Dưới góc độ DN, Công ty CP May Hồ Gươm đã có sự chuẩn bị như thế nào?

- DN Việt Nam bắt buộc phải đổi mới công nghệ, đầu tư vào máy móc, trang thiết bị cũng như tìm mọi cách đẩy năng suất lao động lên, giảm các chi phí. Với May Hồ Gươm, cũng đã đầu tư về thiết bị, máy móc, tìm các giải pháp tăng năng suất lao động, đầu tư thêm các nhà xưởng, năng lực sản xuất để đón TPP và giảm chi phí sản xuất, mới mong cạnh tranh được. Tôi cũng cho rằng, thể chế kinh tế cũng cần phải đổi mới, cái quan trọng thứ nhất là phải tìm giải pháp thúc đẩy xuất khẩu cho các DN càng nhiều càng tốt, đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, hỗ trợ cho các DN may hưởng lợi từ các hiệp định. Bản thân như May Hồ Gươm bây giờ cũng chỉ lờ mờ đoán được thuế suất sẽ được giảm.

Trong khi cụ thể giảm thế nào thì không biết, vì rất nhiều điều khoản, có loại miễn trừ vĩnh viễn là những loại vải trong nước không sản xuất được nhưng vẫn được chấp nhận. Song tỷ lệ này rất ít, chiếm khoảng 7%. Hai là, miễn trừ có thời hạn để DN Việt Nam có thể sản xuất một số loại vải đầu vào cho dệt may, nếu thời gian trên không sản xuất được thì không thể đổ cho lý do gì. Ba là, được 3 năm ân hạn, sau đó bắt buộc phải chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào. Chính vì thế thời gian tới, DN rất mong được tiếp cận và hiểu thêm về TPP để tận dụng những cơ hội mà Hiệp định này mang lại.

Bản thân May Hồ Gươm cũng chỉ biết tập trung đầu tư công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực, lập các dự án xin quỹ đất để khi cần thì sẵn sàng xây dựng nhà xưởng để chuẩn bị đón đầu khi TPP chính thức được ký kết.

Xin cảm ơn ông!