Động lực của kinh tế
Thời gian qua, cộng đồng DN, đội ngũ doanh nhân Việt Nam phát triển mạnh mẽ, góp phần giải phóng và phát triển sức sản xuất, huy động và phát huy nội lực vào phát triển kinh tế xã hội; tham gia giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội như tạo việc làm, xoá đói, giảm nghèo... Các DN, doanh nhân Việt Nam đã đóng góp khoảng 60% GDP; tạo việc làm cho gần 14,8 triệu lao động (chiếm 30,16% tổng số lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc của cả nước vào năm 2021); đóng góp ngày càng tăng vào ngân sách Nhà nước. Cụ thể, năm 2021, đóng góp của DN, doanh nhân và DN FDI chiếm gần 24,3% tổng thu trong nước, trong đó DN Nhà nước là 10,45% và DN FDI chiếm 13,85% tổng thu trong nước.
Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công nhấn mạnh, trong quá trình đổi mới, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, Đảng, Nhà nước ta đã có quan điểm nhất quán, xuyên suốt về vai trò quan trọng cũng như định hướng phát triển của DN, doanh nhân đối với sự phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội. Với nhìn nhận DN là lực lượng chủ lực trong xây dựng kinh tế, thì doanh nhân chính là lực lượng nòng cốt giữ vai trò lãnh đạo, quản lý, điều hành đội ngũ DN của đất nước. Với số lượng DN hiện nay là một nguồn nhân lực đặc biệt của đất nước, có vai trò quan trọng trong thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hóa xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập của nước Việt Nam thời kỳ mới.
Tuy nhiên, thực tế hoạt động của cộng đồng DN vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Theo khảo sát của VCCI, những khó khăn hàng đầu mà DN đang gặp phải là tiếp cận tín dụng có nhiều trở ngại, tình hình thị trường bị thu hẹp với khó khăn trong tìm kiếm khách hàng và tác động tiêu cực của dịch Covid-19 vẫn còn kéo dài. Bên cạnh đó, tình trạng phiền hà ở một số lĩnh vực thủ tục hành chính chủ chốt vẫn còn. Môi trường pháp lý vẫn còn thiếu tính ổn định và khả năng tiên liệu dẫn đến rủi ro gia tăng cho các DN.
Đại diện Hiệp hội DN tỉnh An Giang chia sẻ, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đây được xem là chính sách quan trọng hỗ trợ DN nhỏ và vừa tích cực. Thực tế, DN tỉnh An Giang quy mô nhỏ và siêu nhỏ nên tình trạng DN khó nhận được hỗ trợ từ những chính sách trên do thủ tục phức tạp, điểu kiện để tiếp cận chỉ phù hợp với DN trung bình và DN lớn; bên cạnh đó vẫn còn tồn tại mâu thuẫn, chồng chéo giữa một số văn bản pháp luật về đầu tư kinh doanh, tạo ra “điểm nghẽn” cho hoạt động đầu tư. Bên cạnh đó, chính sách tốt nhưng điều kiện quá chặt, DN nhỏ khó thụ hưởng. Mức độ tiếp cận các chương trình trợ giúp DN trong khuôn khổ chính sách hỗ trợ còn hạn chế.
Doanh nghiệp vẫn chưa hết khó
Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, sự đan xen thuận lợi và khó khăn, thời cơ và thách thức trong bối cảnh mới đặt ra những vấn đề mới cho DN. Để tạo điều kiện cho DN phát triển, theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, cần tạo thuận lợi cho việc tiếp cận thông tin chính sách, quy định hỗ trợ DN. Bởi việc tiếp cận thông tin chính sách, quy định là rất quan trọng đối với cộng đồng kinh doanh. Các cơ quan nhà nước cần công khai rộng rãi các chính sách, quy định để các DN (đặc biệt là các DN quy mô siêu nhỏ, nhỏ) thuận lợi trong tiếp cận thông tin.
Bên cạnh đó, quan tâm giải quyết các khó khăn tài chính cho DN. Tiếp tục
có giải pháp hỗ trợ giãn nộp cho các DN chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19 mà không có khả năng nộp. Các cơ quan chức năng cũng tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách miễn, giãn nộp ngân sách Nhà nước với thời gian đủ dài để DN phục hồi, cụ thể là với với các khoản chi phí liên quan trực tiếp tới dòng tiền của DN như: tiền thuê đất, các loại phí, thuế giá
trị gia tăng, thuế thu nhập…
Đồng thời, tạo thuận lợi hơn cho DN tiếp cận vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh. Việc cho phép doanh nghiệp, hợp tác xã được giãn nợ, cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn giảm phí, không phạt trả chậm tín dụng, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để có thêm thời gian phục hồi trả nợ và khắc phục nợ xấu là rất cần thiết.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thúc đẩy mạnh mẽ giải quyết thủ tục hành chính triệt để trên môi trường mạng. Chấp thuận các các hồ sơ, văn bản, các hình thức gửi online trong việc giải quyết các thủ tục hành chính. Đẩy nhanh triển khai dịch vụ công cấp độ 4, ứng dụng chuyển đổi số trong cải cách hành chính để thay thế cho các hình thức nộp hồ sơ giấy trước đây.
Từ năm 2004, ngày 13/10 cũng được coi là “ngày Tết” của giới doanh nhân Việt Nam. Trong dịp “Tết doanh nhân” năm nay, cộng đồng doanh nghiệp vui mừng đón nhận một món quà hết sức đặc biệt từ Đảng, Nhà nước, đó là một nghị quyết mới của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới thay cho Nghị quyết 09 được ban hành cách đây 12 năm. Nghị quyết mới của Bộ Chính trị có những nội dung mới về quan điểm, định hướng và giải pháp phát triển của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong giai đoạn sắp. Đây không chỉ là những nội dung mới mà còn rất quyết liệt, rất trúng mong đợi của giới doanh nhân và xã hội. Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công