Rủ nhau tẩy chay
Trên diễn đàn lamchame.com có đến 979 trang bình luận của các thành viên về sự mập mờ của Công ty Mạnh Cầm khi quảng bá sản phẩm sữa dê Danlait. Thành viên Orpheus bình luận: "Đến sữa cho trẻ em mà cũng làm giả được. Mấy người này thất đức quá không hiểu lương tâm để ở đâu". Chị Nguyễn Hoài Thu, thành viên diễn đàn bức xúc, nếu cơ quan chức năng kết luận sữa dê Danlait là thực phẩm bổ sung thì người tiêu dùng đã bị doanh nghiệp lừa đảo một cách trắng trợn; Vừa bị mất tiền oan mà quan trọng hơn cả là sức khỏe của trẻ em bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra sữa dê Danlait tại Công ty TNHH Mạnh Cầm. Ảnh: Hoài Nam
Anh Phan Thành Trung (Thanh Liệt, Thanh Trì) nhân viên tiếp thị sản phẩm sữa nêu ý kiến, việc Công ty Mạnh Cầm "hô biến" thực phẩm bổ sung lên thành sữa là có dấu hiệu lừa đảo người tiêu dùng, bởi nếu là thực phẩm bổ sung sẽ không được khách lựa chọn nhiều như sản phẩm sữa. Ngay cả những bà mẹ không cho con dùng loại sữa này cũng mong các cơ quan chức năng sớm có kết luận để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra với trẻ nhỏ.Trước phản ứng mạnh mẽ của các bậc phụ huynh, hầu hết các cửa hàng tự chọn, nhiều cửa hàng kinh doanh sản phẩm dành cho trẻ em đều đã tạm dừng kinh doanh loại sữa này.
Hệ thống siêu thị Kids Plaza đưa ra thông báo thu hồi sữa dê Danlait. Đại diện phòng chăm sóc khách hàng của siêu thị cho biết: Trong khi chờ quyết định kiểm tra cuối cùng của cơ quan chức năng, để bảo vệ lợi ích của khách hàng, siêu thị tạm dừng bán sữa dê Danlait từ ngày 18/2. Đồng thời, tất cả khách hàng đã mua sữa Danlait tại Kids Plaza trước thời điểm này sẽ được Kids Plaza tự bỏ chi phí trả lại tiền cho khách hàng. Theo đó, khách hàng mua sữa Danlait của siêu thị mang theo hộp sữa Danlait còn nguyên tem và chưa sử dụng cùng hóa đơn mua hàng đến địa chỉ 20 Thái Thịnh (Đống Đa) làm thủ tục trả sữa và nhận lại tiền.
Cố tình lừa đảo
Tại cuộc họp giao ban tuần của Bộ Công Thương (ngày 25/2), đại diện Cục quản lý thị trường (QLTT) cho biết: Trong quá trình kiểm tra hoạt động kinh doanh của Công ty TNHH Mạnh Cầm đã phát hiện công ty này nhập nhằng trong việc ghi nhãn mác. Trên bao bì hộp sữa Danlait có ghi là "thực phẩm bổ sung" nhưng trong nhãn phụ bằng tiếng Việt đính kèm các hộp sữa DN ghi là "sữa dê", gây hiểu lầm đối với người tiêu dùng. Ngoài ra, DN chưa thực hiện việc kê khai và niêm yết giá bán. Hiện, Cục QLTT đang tiếp tục làm rõ mức chênh lệch giữa giá nhập và giá bán sữa Danlait để có kết quả sớm nhất.Ông Vương Ngọc Tuấn, Phó Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam khẳng định: Với hành vi trên, DN đã lừa đảo người tiêu dùng, bởi một sản phẩm sữa trước khi bán ra thị trường phải được các cơ quan chức năng của Nhà nước kiểm tra và cấp phép. Nội dung khi quảng cáo phải đúng với nội dung giấy phép đã đăng ký về thông tin sản phẩm, không được tự ý thêm bớt. Khi DN quảng cáo không đúng với bản chất thực của sản phẩm thì đó là hành vi lừa dối người tiêu dùng và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Với sai phạm này, trước mắt các cơ quan chức năng có thể xử lý DN theo Khoản 9 Điều 8 của Luật Quảng cáo đã được ban hành và có hiệu lực từ tháng 6/2012. Bên cạnh đó, nếu các cơ quan chức năng xác định DN này có sai phạm về chất lượng hàng hóa thì DN phải có trách nhiệm đền bù.
Nhằm ngăn chặn tình trạng mập mờ nhãn mác, đánh lừa người tiêu dùng, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang đã yêu cầu lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra giám sát các mặt hàng sữa khác, tránh xảy ra những trường hợp tương tự.