Tại Hội nghị Phát triển du lịch nhanh, bền vững tổ chức sáng 15/11, các đại biểu cho rằng, hiện, du lịch là một điểm sáng trong phục hồi nền kinh tế, kết quả phục hồi du lịch có tác động lan tỏa tới nhiều lĩnh vực, góp phần cải thiện ba động lực tăng trưởng của nền kinh tế là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng.
Đại diện Tập đoàn Sungroup cho biết, theo thống kê, 10 tháng đầu năm 2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 10 triệu lượt (phục hồi 69% so với 2019), khách nội địa đạt hơn 98 triệu lượt khách. Du lịch là một điểm sáng trong phục hồi nền kinh tế và lan tỏa đến các ngành kinh tế khác.
Tuy nhiên, theo đại diện Sungroup, hiện vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc khiến ngành du lịch Việt Nam chưa phục hồi nhanh trên đường đua quốc tế. Trong đó, có các khó khăn liên quan đến chính sách thuế và cơ chế ưu đãi tín dụng cho các doanh nghiệp trong ngành du lịch. Doanh nghiệp này đề xuất cần có chính sách ưu đãi về điều kiện vay vốn (tài sản đảm bảo, lãi suất ưu đãi). Cần coi du lịch là ngành khuyến khích đầu tư cho phép được hưởng các ưu đãi về thuế. “Chúng tôi cũng đề xuất tiếp tục gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân và giá trị gia tăng trong 2 năm đối với toàn bộ số thuế phải nộp năm 2022, 2023, 2024 cho các loại thuế nêu trên tính từ thời điểm kê khai và nộp theo quy định. Tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng cho ngành du lịch ở mức 5%- 8%”- đại diện Sungroup đề xuất.
Phía Hiệp hội Du lịch, Chủ tịch Hiệp hội Vũ Thế Bình đề nghị Chính phủ chỉ đạo các ngành tập trung thực hiện một số chính sách đã ban hành để phát triển du lịch. Cụ thể, điều chỉnh giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng với giá điện sản xuất. Chính phủ đã ban hành Chương trình Hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW đã chỉ đạo Bộ Công Thương triển khai việc chuyển đổi giá điện nêu trên nhưng đến nay đã gần 6 năm, Bộ Công Thương chưa thực hiện. Có chính sách phù hợp về thuế sử dụng đất và tiền thuế đất đối với các dự án du lịch có hệ số sử dụng đất cho xây dựng thấp và hạn chế chiều cao...