Theo báo cáo của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động kinh doanh trong năm 2014 của cả nước là 9.501 doanh nghiệp, giảm 3,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lĩnh vực bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy có số doanh nghiệp giải thể cao nhất. Trong số doanh nghiệp giải thể, có 3.072 công ty TNHH 1 thành viên (chiếm khoảng 32,3%), 2.831 công ty TNHH 2 thành viên (chiếm khoảng 29,8%), 1.341 công ty cổ phần (chiếm khoảng 14,1%) và 2.257 doanh nghiệp tư nhân (chiếm khoảng 23,8%). Dữ liệu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho thấy, số lượng doanh nghiệp giải thể tỷ lệ nghịch với quy mô vốn. Số lượng doanh nghiệp giải thể phần lớn là những doanh nghiệp có quy mô vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng. “Điều này phần nào cho thấy rằng nhờ có sức đề kháng và hoạch định chiến lược kinh doanh tốt hơn, những doanh nghiệp có quy mô vốn lớn thường có độ ổn định và sức chống chọi với khó khăn cao hơn so với các doanh nghiệp nhỏ” – theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh. Số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động của cả nước là 58.322 doanh nghiệp, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy rằng, cộng đồng doanh nghiệp vẫn còn trong giai đoạn khó khăn. Để sớm có sự phát triển ổn định hơn, bên cạnh yêu cầu phải giải quyết những hạn chế nội tại, cộng đồng doanh nghiệp trong nước cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ, thiết thực hơn nữa từ những chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn của Chính phủ, các Bộ, ngành. Trong năm 2014, cả nước có 15.419 doanh nghiệp ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2013. Đây là con số đáng khích lệ cho thấy tín hiệu tốt của nền kinh tế đã tạo thêm cơ hội đầu tư, kinh doanh cho những doanh nghiệp đang gặp khó khăn.