Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp ít vốn sẽ bị loại

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Bộ Xây dựng đang dự thảo Nghị định quản lý đầu tư phát triển đô thị, trong đó quy định, chủ đầu tư là doanh nghiệp (DN) phải có vốn tự có ít nhất 30% tổng mức đầu tư xây dựng hạ tầng và phải có văn bản xác nhận của ngân hàng về việc đảm bảo đủ vốn mới được làm.

Loại DN yếu

Theo Luật kinh doanh BĐS thì DN phải có vốn pháp định 6 tỷ đồng, đồng thời phải có vốn chủ sở hữu ít nhất bằng 20% tổng mức đầu tư dự án nói chung và 15% đối với các dự án là nhà ở. Một cán bộ Bộ Xây dựng cho rằng, sở dĩ nâng vốn sở hữu của chủ đầu tư lên 30% để tránh tình trạng nhà nhà làm kinh doanh BĐS như thời gian vừa qua.

“Thời gian này khi ngân hàng không cho DN BĐS vay mới lộ rõ nhiều DN yếu kém, dự án thiếu tiền không triển khai được, sản phẩm làm ra không đảm bảo chất lượng... Rõ ràng, từ trước đến giờ nhiều DN tay không bắt giặc, vốn chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng, huy động vốn trái pháp luật... Siết DN kinh doanh bất động sản nhằm thanh lọc DN không đủ năng lực, tạo thị trường BĐS minh bạch và ổn định hơn”, vị này cho biết.

Ông Phan Thành Mai - Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam cho biết: “Hiện Hiệp hội BĐS Việt Nam có hơn 1.200 thành viên và hơn một nửa thành viên là DN kinh doanh BĐS. Mỗi DN có những đặc thù riêng và hoạt động riêng. Khi DN xin làm dự án thì họ cũng có đầy đủ hồ sơ pháp lý mới được triển khai dự án.

Nếu dự thảo quy định mới được áp dụng thì cũng khó nói được có bao nhiêu DN đủ điều kiện, bao nhiêu DN không đủ điều kiện nhưng về bản chất sẽ làm thị trường BĐS phát triển ổn định hơn, DN nào mạnh, có năng lực tài chính thì tiếp tục ở thương trường để cạnh tranh, còn DN nào yếu thì nên bỏ cuộc chơi, tránh làm thị trường hỗn loạn”.

Không phải lúc

Trước quy định vốn sở hữu cho DN tham gia dự án tăng, nhiều DN tỏ ra lo ngại. Ông Trần Trung Thành - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển nhà Hà Nội số 68 cho biết, DN kinh doanh BĐS ở Việt Nam hiện đều là DN vừa và nhỏ, ngay một lúc phải có 30% vốn tự có khi đầu tư hạ tầng dự án là điều không thể.

“Thời điểm này khi thị trường đang khó khăn đưa ra quy định đó e rằng làm khó DN. Không phải DN nào cũng có đủ năng lực tài chính sẵn có mà phải huy động vốn từ nhiều kênh và phải có thời gian nhất định. Có phải là Thánh Gióng qua một đêm là lớn nhanh được đâu. Dự án 1.000 tỷ bắt DN phải có 300 tỷ, là điều rất khó”, ông Thành nói.

Một chủ DN kinh doanh Khu đô thị lớn ở Hà Đông bộc bạch, quy định này làm khó chủ đầu tư. Năng lực của chủ đầu tư không chỉ nằm ở tài chính, quan trọng là cơ quan nhà nước phải thẩm định năng lực của chủ đầu tư. Chưa chắc DN có doanh thu ít thì năng lực kém. Một dự án kéo dài nhiều năm nên quy định vốn sở hữu cho chủ đầu tư phải phân loại cụ thể. Ví dụ: tổng mức vốn giai đoạn 1.000 tỷ thì quy định bao nhiêu? Còn 500 - 700 tỷ là bao nhiêu? Không thể đánh đồng các dự án với nhau được.

“Nếu quy định này được áp dụng lôi cả những ông làm dự án cũ ra thì không tránh khỏi tình trạng đục nước bèo cò. Theo tôi quy định 20% tổng vốn đầu tư như trước là hợp lý, còn nhà nước nên có sự lựa chọn nhà đầu tư ngay từ đầu để thị trường minh bạch hơn”, vị này nói.

Còn ông Nguyễn Mạnh Huy - Thư ký Tổng giám đốc Tập đoàn Nam Cường cho rằng, DN kinh doanh BĐS đang gặp khó khăn, tự thị trường lúc này cũng đang thanh lọc các DN yếu kém thì không cần thêm quy định về vốn nữa. Quy định trên, nếu thời điểm thị trường sôi động thì không sao, chứ thời điểm này e rằng các DN khó đáp ứng.

Hạn chế cho vay dự án khởi công mới

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị 2196 về tăng cường quản lý thị trường BĐS. Theo đó, NHNN Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng bố trí nguồn vốn để cho vay đầu tư các dự án phát triển nhà ở để bán, cho thuê phục vụ đối tượng thu nhập thấp, công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế; cho các đối tượng có nhu cầu thực sự vay mua nhà để ở.

Trước mắt hạn chế cho vay bồi thường, giải phóng mặt bằng, các dự án khởi công mới, các dự án BĐS cao cấp; giám sát chặt chẽ để hạn chế việc cho các cá nhân vay kinh doanh BĐS. NHNN tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình cấp tín dụng BĐS của các tổ chức tín dụng, phát hiện và xử lý kịp thời các khoản nợ quá hạn, ảnh hưởng tới chất lượng tín dụng của các tổ chức tín dụng.