Doanh nghiệp không chỉ cần mỗi ưu đãi

Hữu Lân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự thảo Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa (DNNVV) đang được bàn thảo khá sôi nổi trong phiên họp Thường vụ Quốc hội đang diễn ra.

 Không nói đến những vấn đề còn chưa thống nhất trong dự thảo Luật, mà chỉ nói tới việc sự cần thiết có những quy định nhằm tạo điều kiện cũng như cơ hội cho DN khởi nghiệp, DN siêu nhỏ, nhỏ và DN vừa phát triển.
Thống kê mới nhất, số lượng DNVVN của Việt Nam là 600.000 (chiếm 98%), đóng góp 41% nguồn thu ngân sách, 49% GDP, 78% lao động của cả nước. Tuy nhiên, các DN này đang gặp không ít khó khăn, thách thức. Đơn cử trong lĩnh vực thuế, thuế suất với DNNVV trong nước  hiện  là 20%, trong khi các nước trong khu vực như Thái Lan là 15%, Indonesia là 12,5%, Singapore là 17%... Một thực tế nữa có thể kể đến là, trong khi những DN lớn vốn đã mạnh nhưng khi tham gia làm dự án lại được hưởng nhiều ưu đãi (10% thuế thu nhập DN trong 15 năm, 4 năm đầu miễn thuế, 9 năm kế tiếp giảm 50%) thì những DNNVV không có được những ưu đãi này.
 Sản xuất dây cáp điện tại Công ty Hanel. Ảnh Chiến Công
Chính vì thế, việc hỗ trợ DNNVV thiết thực nhất là kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường cạnh tranh bình đẳng với thể chế tốt và nền hành chính mang tính phục vụ. Những chính sách ưu đãi như hỗ trợ tiếp cận tín dụng, thuế, mặt bằng sản xuất, ươm tạo và nâng cao năng lực công nghệ, mở rộng thị trường, hỗ trợ thông tin và tư vấn, phát triển nguồn nhân lực... mà dự thảo Luật đưa ra chỉ là một phần trong chính sách hỗ trợ DNNVV. Bên cạnh đó, xuất phát từ thực tế hiện nay các DNNVV vẫn còn rất yếu, muốn vươn lên mạnh mẽ cần phát triển hệ thống gắn kết được giữa các DN trụ cột lớn của nền kinh tế với cộng đồng DNNVV, nhất là trong bối cảnh hội nhập sâu rộng với quốc tế như hiện nay.
Ở chiều ngược lại, chính từng DNNVV cũng dần phải khắc phục những điểm yếu về năng lực quản lý, nhất là công nghệ và tình trạng thiếu vốn. Đó có thể là những việc khá cụ thể như công khai đầy đủ, kịp thời các thông tin hoạt động của mình, chủ động hợp tác hoặc kêu gọi sự trợ giúp của cơ quan chức năng khi có nhu cầu, tăng cường tiếp nhận thông tin, tư vấn từ các tổ chức, chuyên gia trước các dấu hiệu thay đổi, khó khăn xuất hiện trên thị trường để giải quyết ổn thỏa, phòng tránh được rủi ro...
Thực hiện các cam kết hội nhập trong đó có việc cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh cho DN, môi trường hoạt động sản xuất, kinh doanh được lành mạnh hơn sẽ tạo cơ hội to lớn cho các DN làm ăn chân chính, cạnh tranh bằng chính năng lực của mình, đồng thời cũng làm mất cơ hội đối với DN làm ăn không dựa trên năng lực mà dựa vào các phương tiện không chính đáng. Đó mới là điều DN cần bên cạnh những biện pháp hỗ trợ mà Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV đang được quan tâm bàn thảo.