Theo phản ánh của các DN thuộc Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội, giá thuê đất tại TP hiện vẫn rất cao so với các địa phương lân cận, và cao hơn nhiều so với những năm trước. "Có một nghịch lý là trong khi giá đất trên thị trường có chiều hướng giảm thì giá thuê đất lại vẫn tăng định kỳ" - đại diện Hiệp hội bức xúc.
Đồng quan điểm trên, đại diện Ban Quản lý các KCN và Chế xuất Hà Nội cho biết, thực tế giá thuê đất trong các KCN Hà Nội thường cao gấp 2 - 3 lần so với các KCN ở các tỉnh lân cận. Đơn cử như KCN Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) hiện còn dư 40ha, công tác GPMB tuy được thực hiện tốt nhưng giá cho thuê lại cao so với mặt bằng của các địa phương nên khó thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Một nhà đầu tư sau khi khảo sát mặt bằng tại KCN Phú Nghĩa và KCN Thanh Hà (Hải Dương) đã quyết định chọn KCN Thanh Hà với lý do giá cho thuê mặt bằng ở đây chỉ là 47 USD/m2, trong khi KCN Phú Nghĩa là 100 USD/m2. Rõ ràng, chi phí thuê đất quá cao đã làm giảm sức hút của các KCN Hà Nội. "Suốt 5 năm, KCN Phú Nghĩa vẫn chưa thể lấp đầy. Giá thuê đất cao là nguyên nhân khiến nhiều DN đang hoạt động ở đây tìm hướng chuyển sang đầu tư ở các tỉnh khác, trong khi DN mới lại không mặn mà. Theo tôi, chúng ta phải tiếp tục phản ánh lên Chính phủ thực tế này vì đây đang là rào cản lớn trong việc thu hút đầu tư của Hà Nội" - bà Đào Thu Vịnh - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội nhấn mạnh. Tại một cuộc họp của Ban Chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh cho DN trên địa bàn của UBND TP Hà Nội, ông Phạm Công Bình - Phó Giám đốc Sở Tài chính cho biết, nhiều năm qua, giá đất chỉ có xu hướng tăng chứ không giảm. Ông Bình kiến nghị, phải xây dựng được hệ số tính giá thuê đất chuẩn để khi thị trường tăng thì giá thuê đất tăng, mà khi thị trường giảm thì giá thuê đất cũng có sự điều chỉnh tương ứng. Theo kiến nghị của Sở KH&ĐT, nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN về tiền thuê đất, Chính phủ cần sửa đổi bổ sung Nghị định số 121/2010/NĐ-CP ngày 30/12/2010 trên cơ sở giảm tỷ lệ phần trăm giá thuê đất từ 1,5 - 3% xuống 1 - 2% và giá đất được xác định theo hệ số điều chỉnh theo khu vực để phù hợp với tình hình sản xuất, kinh doanh hiện nay của DN. Một số ý kiến đề nghị được gia hạn nộp tiền sử dụng đất theo tiến độ bán hàng, miễn khoản phạt chậm nộp tiền sử dụng đất... Ở một góc độ khác, ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, đất đai cũng là một tài sản đảm bảo giúp DN dễ tiếp cận vốn ngân hàng. Rất nhiều ngân hàng coi đây là điều kiện tiên quyết để xét cho vay vốn. Tuy nhiên, thực tế nhiều DN hiện nay có đất nhưng không có giấy tờ chứng minh tài sản đảm bảo như sổ đỏ thì vẫn không thể vay vốn. Từ thực tế này, nhiều DN đề nghị cần tăng cường dịch vụ đăng ký tài sản đảm bảo, cấp giấy tờ chứng minh tài sản đảm bảo của DN. Lãnh đạo Sở KH&ĐT đồng tình cho rằng, cần cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xác định do hiện nay phải tính theo giá thị trường, thẩm định chứng thư xác định giá đất. Không chỉ tiền thuê đất, Nhà nước cũng cần triển khai các cơ chế chính sách nhằm ổn định các chi phí sản xuất, kinh doanh như giá điện, nước, xăng dầu… để các DN yên tâm đầu tư phát triển.
Giá thuê mặt bằng cao vừa gây khó khăn cho doanh nghiệp vừa giảm sức hút của khu công nghiệp Hà Nội. Trong ảnh: Một góc Khu công nghiệp Thường Tín. Ảnh: Việt Dũng |