Hơn một năm sau cuộc gặp đầu tiên, môi trường kinh doanh đã có rất nhiều chuyển biến, đột phá về tư duy cải thiện môi trường kinh doanh, phục vụ DN. Tuy nhiên, trong chính sách vẫn còn những hạn chế do độ trễ và nhiều vấn đề phải sửa đổi ngay ở các văn bản luật.
Chuyển biến trong nhận thức
Nhìn lại hơn một năm thực hiện các Nghị quyết 19 và 35/NQ-CP của Chính phủ, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, 75% DN đánh giá tích cực, tương đối tích cực đối với sự chuyển biến của các bộ ngành, địa phương; gần 30% đánh giá sự chuyển biến còn hạn chế. Năm 2016 có thể coi là năm đột phá về tư duy cải thiện môi trường kinh doanh, phục vụ DN. Tuy nhiên, trong chính sách có những hạn chế do độ trễ, nhiều vấn đề phải sửa đổi ở tầm vĩ mô. Đồng quan điểm, ông Phan Đức Hiếu – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) cho rằng, cải cách môi trường kinh doanh đang đi đúng hướng và đạt được nhiều kết quả tích cực, có thể kể đến như cải cách thủ tục hành chính. Tuy nhiên, cải cách chỉ tốt hơn so với trước đây, chứ không thực sự tốt hơn so với môi trường kinh doanh quốc tế, do đó Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần có thêm những hành động cụ thể và quyết liệt hơn để đáp ứng kỳ vọng của DN.
Còn nhớ tại Hội nghị Thủ tướng gặp DN năm 2016, đã có tới 320 kiến nghị nêu tại hội nghị, 100 kiến nghị gửi bổ sung sau đó, phần lớn các kiến nghị nêu từ năm 2016 đã được giải quyết, còn lại do vướng mắc trong các văn bản luật, hoặc đang nghiên cứu giải quyết... Do đó, Hội nghị năm 2017 được cộng đồng DN tiếp tục kỳ vọng sẽ là diễn đàn cởi mở của Chính phủ giúp tháo gỡ nhiều vướng mắc và có thêm những cam kết đồng hành mạnh mẽ hơn nữa trong quá trình khởi nghiệp phát triển của DN.
Theo ghi nhận của VCCI, năm nay, cơ quan này đã tiếp nhận được 200 kiến nghị mới và đã chuyển cho các bộ ngành, địa phương xem xét giải quyết. Các kiến nghị tập trung vào các nội dung cụ thể như cải cách hành chính, đất đai, thị trường, bảo vệ quyền lợi DN... Ngoài ra, các vấn đề liên quan đến giảm lãi suất, tiếp cận tín dụng, bảo hiểm, logistic, thủ tục phá sản DN, giải quyết tranh chấp, thanh tra, kiểm tra... sẽ tiếp tục là chủ đề “nóng” được nhiều DN quan tâm
Vẫn còn nhiều “hành vi hành chính vô cảm”
Bên cạnh một số bộ, ngành, địa phương đã rất nỗ lực trong chương trình hành động nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy sự phát triển của DN, thì vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ công chức thờ ơ, vô cảm, trì trệ trong việc cải cách hành chính. Đặc biệt, các nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương chưa được thấm xuống tận các cấp cơ sở.
Thực tế, việc thực hiện mục tiêu mỗi năm chỉ thanh, kiểm tra DN một lần như đã nêu trong Nghị quyết 35 là chưa thực hiện được. Nhiều DN mỗi năm vẫn phải tiếp đón 6 - 7 đoàn kiểm tra. Đại diện Công ty Hà Yến đã chia sẻ nỗi bức xúc với quy định một năm phải tiến hành 2 đo kiểm liên quan tới sức khỏe người lao động gồm: Đo kiểm môi trường lao động và quan trắc môi trường, mỗi loại đo kiếm tốn kém mấy chục triệu đồng. “Hai đo kiểm này thực ra có nhiều điểm trùng nhau, vậy tại sao không giảm bớt hoặc gộp thành một cuộc kiểm tra để giảm chi phí cho DN?” – đại diện DN lên tiếng.
Trên đây chỉ là 2 thủ tục đang gây phiền hà và tốn kém cho DN, đặc biệt là những DN nhỏ và vừa, thực tế còn rất nhiều loại thủ tục thanh, kiểm khác đang làm nản lòng DN. Nguyên nhân sâu xa, theo ông Lộc, là do các đoàn kiểm tra vẫn chưa tích hợp được với nhau, chưa chấp nhận kết quả của nhau. Trong khi đó, thủ tục thì vẫn chồng chéo, đặc biệt thủ tục kiểm tra chuyên ngành trong hoạt động xuất nhập khẩu cải thiện chưa được bao nhiêu. Như vụ tiêu hủy 20.000 viên thuốc đặc trị ung thư hết hạn vì thủ tục hành chính là ví dụ cho thấy vẫn còn những “hành vi hành chính vô cảm” đang đẩy DN vào thế "ngồi trên đống lửa"...
Đó là chưa kể tới chi phí kinh doanh mà theo đánh giá của bà Phạm Thị Thu Hằng - Viện trưởng Viện Phát triển DN (VCCI), là đang làm giảm hiệu quả của DN. Cụ thể, DN vẫn đang phải chịu lãi suất ngân hàng cao hơn so với khu vực, chi phí bảo hiểm xã hội cũng cao nhất trong ASEAN, kèm với các chi phí khác như logistic, chi phí không chính thức…
Sẽ có quyết sách mới trong hỗ trợ doanh nghiệp
Theo Chủ tịch VCCI, sau Hội nghị gặp DN ngày 17/5, dự kiến Thủ tướng sẽ ra một chỉ thị về tiếp tục triển khai Nghị quyết 35, đồng thời sẽ quyết định một số biện pháp, giải pháp chính sách cụ thể mới trên cơ sở kiến nghị, vướng mắc của DN. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ trực tiếp giải quyết một số vấn đề và yêu cầu các bộ, ngành giải quyết những vấn đề nổi cộm, vấn đề DN quan tâm, đồng thời có những quyết sách cụ thể. “Những vướng mắc tồn tại trước, nếu có đủ căn cứ, đủ cơ sở giải quyết thì sẽ thúc đẩy giải quyết ngay. Những vấn đề thuộc chức năng, thẩm quyền của Chính phủ, Quốc hội, sẽ báo cáo Chính phủ và Quốc hội nhằm đảm bảo tăng cường thực thi Nghị quyết 35 một cách hiệu quả” – ông Lộc chia sẻ.
Trước thềm Hội nghị, VCCI đã đưa ra trên 20 kiến nghị sửa đổi những quy định của pháp luật, tăng cường đảm bảo thực hiện tốt chương trình hành động được đề ra và những giải pháp được ban hành, thúc đẩy cải cách, khắc phục tình trạng “trên nóng dưới lạnh”... Sửa đổi, bổ sung ngay những quy định pháp luật không còn phù hợp.
Tăng về số lượng nhưng nguồn lực của doanh nghiệp tư nhân vẫn hạn chế Trong những năm qua, số lượng các DN tư nhân ngày càng tăng mạnh, song vòng luẩn quẩn nhỏ lẻ, nguồn lực hạn chế, dẫn đến khó tiếp cận vốn, đất đai đang khiến quy mô nhiều DN tư nhân giậm chân tại chỗ, khó đầu tư sản xuất lớn. Do vậy, các DN tư nhân rất cần sự hỗ trợ bằng những giải pháp cụ thể, trong đó có việc hỗ trợ tiếp cận tín dụng. Bởi bản thân DN tôi hiện đang vay vốn với lãi suất 8%/năm mà chỉ được vay ngắn hạn. Rất mong lãi vay ngân hàng đối với DN tư nhân nên giảm từ 1 - 2% và nên hỗ trợ DN được vay dài hạn hơn, tiếp cận tín dụng dễ hơn để có kế hoạch đầu tư lâu dài. Ông Hoàng Quang Đông - Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Minh Châu (Hưng Yên) Nên dùng chính sách ưu đãi thuế để định hướng nguồn lực Chính phủ cần kiến tạo và định hướng nguồn lực chứ không nên theo hướng kiểm soát và phân bổ nguồn lực. Chẳng hạn hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo nghiên cứu gói tín dụng hỗ trợ nông nghiệp công nghệ cao từ 60.000 - 100.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc triển khai như thế nào đến nay vẫn chưa rõ ràng. Cần phải làm rõ cơ chế phân bổ, điều kiện nhận hỗ trợ gói tín dụng này như thế nào để tránh tình trạng DN lập dự án để xin hỗ trợ mà không hiệu quả. Tôi xin đề xuất, trong thời gian tới nên dùng chính sách ưu đãi thuế để định hướng nguồn lực thay vì phân bổ nguồn lực qua gói tín dụng ưu đãi cho các DN. Ông Nguyễn Trung Anh - Giám đốc R&D Tập đoàn PAN 3 hướng quan trọng thúc đẩy phát triển DN, đó là mục tiêu chuyển đổi hộ kinh doanh thành DN, thúc đẩy khởi nghiệp và liên kết chuỗi. Để làm được điều này, chế độ kế toán, thuế cần đơn giản, phù hợp để thúc đẩy các hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN. Có chính sách thúc đẩy khởi nghiệp, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ở các địa phương. Có chính sách hỗ trợ liên kết, đặc biệt sự liên kết giữa các DN nhỏ và vừa với DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Có như vậy thì mục tiêu có 1 triệu DN hoạt động hiệu quả vào năm 2020 mới thành hiện thực. Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc |