Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp là trung tâm của phát triển bền vững

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- “DN là trung tâm của mục tiêu phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia” - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định tại Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững 2018 diễn ra chiều 5/7 tại Hà Nội.

Hội nghị do VCCI phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Chủ tịch Hội đồng Quốc gia về Phát triển Bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh nhận định, phát triển bền vững là xu thế tất yếu vì thế giới hòa bình thịnh vượng.
Sản xuất linh, phụ kiện điện tử chất lượng cao tại Công ty TNHH SYNOFEX Việt Nam, 

khu Công nghiệp Quang Minh (Hà Nội). Ảnh: Danh Lam

Trong thực hiện cam kết, Chính phủ Việt Nam đã ban hành kế hoạch hành động, lồng ghép vào các Nghị quyết, chương trình hành động mục tiêu phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. “Thực hiện mục tiêu phát triển bền vững là thách thức lớn, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân, để tiếp tục tạo chuyển biến từ nhận thức đến hành động” - Phó Thủ tướng khẳng định.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ đảm bảo cơ hội học tập cho mọi người dân, cam kết không ai bị bỏ lại do thiếu các cơ hội học tập. Tiếp tục quan tâm hơn nữa đến phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng và chất lượng cao, nắm lấy cơ hội, vượt qua thách, thức đáp ứng yêu cầu nền kinh tế thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Năng lực cạnh tranh đã tăng lên. Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy vai trò của cộng đồng DN, tích cực xóa bỏ rào cản về thủ tục hành chính, xử lý nghiêm tham nhũng… tạo mọi điều kiện cho cộng đồng DN, nhất là khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Thành công của DN sẽ tạo nên sự phát triển bền vững của đất nước. 
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thế Phương cho biết, trong những năm gần đây, Việt Nam đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2017, dân số Việt Nam hơn 93 triệu người, xếp thứ 14 trên thế giới. Quy mô nền kinh tế khoảng 220 tỷ USD, xếp thứ 34 trên thế giới, với thu nhập trên đầu người hơn 2.300 USD, xếp thứ 134 của thế giới. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2017 đạt 6,81%; cao nhất trong 10 năm gần đây. Năm 2016, Chỉ số HDI xếp thứ 115/188 quốc gia và GINI, đạt 0,43. Các xếp hạng về Năng lực cạnh tranh, Năng lực đổi mới sáng tạo và Chính phủ điện tử đều có cải thiện đáng kể về điểm số.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương, vẫn có những thách thức đặt ra cho Việt Nam trong thực hiện Chương trình nghị sự 2030. Cụ thể, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu và các hiện tượng thiên tai bất thường. Nhu cầu tài chính cho thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) là rất lớn, trong khi ngân sách quốc gia còn hạn chế. Sức ép chung đối với các nước đang phát triển là tập trung nguồn lực để phát triển kinh tế mà chưa có sự chú trọng đúng mực đối với các vấn đề về môi trường và xã hội. Hậu quả là tài nguyên thiên nhiên và môi trường bị suy thoái, gia tăng sự bất bình đẳng về thu nhập và những thách thức khác trong xã hội đỏi hỏi cần nhiều nguồn lực và thời gian để giải quyết; Hòa bình, ổn định là xu thế chung nhưng trên thế giới vẫn còn nảy sinh nhiều xung đột; Bảo hộ thương mại đặt ra những thách thức lớn đối với việc ổn định thương mại toàn cầu nói chung và xuất nhập khẩu của Việt Nam nói riêng.

Trước đó, tại phiên họp mở diễn ra sáng ngày 5/7, Hội nghị đã tập trung thảo luận về các nội dung đang nhận được nhiều sự quan tâm hiện nay: Xây dựng nền kinh tế tuần hoàn - một mô hình kinh tế mới của thế giới, nơi không có khái niệm chất thải và mọi nguồn lực đều được tận dụng triệt để và hiệu quả; tương lai của việc làm trong kỷ nguyên công nghệ 4.0 - khi trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, tự động hóa lên ngôi thì vai trò của Chính phủ và khu vực tư nhân là gì để đảm bảo công ăn việc làm cho mỗi người dân…