Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp lớn phải niêm yết trước khi bán vốn: Các chuyên gia nói gì?

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Đây là một quyết định mà thị trường đã chờ đợi từ lâu, giải quyết phần lớn những băn khoăn trước đó về quá trình bán vốn Nhà nước, tốt cho tất cả các bên tham gia thị trường, trừ nhóm lợi ích".

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ với các bộ ngành mới đây về chủ trương thoái vốn Nhà nước tại một số doanh nghiệp lớn, trong đó có Sabeco, Habeco, Vinamilk…, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các doanh nghiệp đã cổ phần hóa (CPH) nhưng chưa tiến hành niêm yết phải niêm yết trên TTCK trước khi bán vốn Nhà nước để đảm bảo tính công khai, minh bạch. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Quyết định này của Thủ tướng được giới đầu tư và các chuyên gia đánh giá cao. Các chuyên gia cho rằng, điều này cho thấy, Chính phủ đã thực sự cầu thị và lắng nghe thị trường.

Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, cơ quan có liên quan phải thực hiện nghiêm túc chủ trương thoái vốn theo đúng quy luật, thông lệ thị trường, bảo đảm công khai, minh bạch, chống tham nhũng, tiêu cực, chống lợi ích nhóm, bảo toàn tối đa tài sản nhà nước, bảo đảm lợi ích cao nhất của đất nước. 

Theo Thủ tướng, việc định giá cổ phần phải khẩn trương tổ chức đấu thầu công khai để lựa chọn đơn vị tư vấn uy tín, có năng lực, kinh nghiệm, tránh trường hợp định giá không sát, không đúng, làm thất thoát phần vốn nhà nước. Việc định giá cụ thể dựa trên các quy định pháp luật, nguyên tắc thị trường và ý kiến đơn vị tư vấn. Với trường hợp Habeco, Sabeco là những doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhưng chưa tiến hành niêm yết, Thủ tướng cũng chỉ rõ phải tiến hành niêm yết trên thị trường chứng khoán trước khi bán vốn Nhà nước để đảm bảo tính công khai, minh bạch và đảm bảo lợi ích nhất cho Nhà nước.

Ông Nguyễn Duy Hưng- Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) đánh giá chỉ đạo “ tất cả các công ty phải niêm yết và bán cho các nhà đầu tư theo phương án đấu giá trên thị trường chứng khoán, không phân biệt nhà đầu tư trong nước hay nước ngoài” là chỉ đạo “tuyệt vời” sau nhiều năm chờ đợi về việc bán cổ phần nhà nước ở những công ty hàng đầu như Vinamilk, Sabeco, Habeco... 

Theo ông Hưng, đây là một quyết định mà thị trường đã chờ đợi từ lâu, giải quyết phần lớn những băn khoăn trước đó về quá trình bán vốn Nhà nước, tốt cho tất cả các bên tham gia thị trường, trừ nhóm lợi ích.

Cụ thể, với Nhà nước, phương án này sẽ xoá bỏ được sự bắt tay của các nhóm lợi ích làm thất thoát tài sản nhà nước trong quá trình bán vốn thông qua việc giới hạn các nhà đầu tư theo ý muốn chủ quan của những người trực tiếp thực hiện, qua đấy sẽ tối ưu được khoản thu thoái vốn. Việc hoạt động minh bạch khi niêm yết sẽ giúp công ty hiệu quả hơn, nộp thuế cho ngân sách sẽ cao hơn và phần lãi cổ đông phần nhà nước còn nắm giữ cũng sẽ cao hơn.

Với nhà đầu tư, khi đầu tư vào công ty niêm yết sẽ có thông tin chuẩn mực hơn về doanh nghiệp thông qua các quy định hiện hành áp dụng với công ty niêm yết. Việc hàng năm các nhà đầu tư tham gia đại hội cổ đông thường niên sẽ trực tiếp giám sát hoạt động của Hội đồng quản trị và Ban giám đốc điều hành, cổ đông có thể không phê chuẩn các đề xuất bất hợp lý của Hội đồng quản trị, thậm chí có quyền đề xuất bãi miễn hoặc thay đổi Ban điều hành hoặc Hội đồng quản trị nếu phát hiện những hoạt động của họ không vì lợi ích của doanh nghiệp.

Với doanh nghiệp sau khi niêm yết và bán cổ phần Nhà nước sẽ trở thành công ty đa chủ sở hữu, từng bước tuyển chọn bộ máy quản trị và điều hành phù hợp, đặt lợi ích doanh nghiệp lên trên hết, không phụ thuộc vào một cổ đông nào.

Trước lo ngại về việc, các doanh nghiệp này đứng trước nguy cơ bị một cổ đông nước ngoài thâu tóm với mục đích biến doanh nghiệp trở thành công ty con và là công cụ để họ mở rộng thị trường của họ tại Việt Nam không vì mục tiêu phát triển công ty, ông Hưng cho rằng, nguy cơ này sẽ rất khó thực hiện, thậm chí là không thể. Nguyên nhân là do họ không thể thâu tóm được 100%. “Việc họ thâu tóm được 51% để thành công ty con là có thể, nhưng họ cũng chỉ có thể xây dựng công ty với cương vị là cổ đông chi phối chứ không thể biến doanh nghiệp thành công cụ cho công ty mẹ do các quy định của thị trường chứng khoán đối với các giao dịch của các bên liên quan của công ty niêm yết”- ông Hưng nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, Chuyên gia kinh tế Trương Thanh Đức cho rằng, việc yêu cầu, các DNNN đã cổ phần hóa phải niêm yết trước khi thoái vốn Nhà nước là hoàn toàn hợp lý và cần thiết để đảm bảo xác định đúng giá trị thoái vốn. Ông Đức bình luận, trong bối cảnh hiện nay, không nhất thiết Nhà nước phải “ôm” quá nhiều DN. Sữa, bia hay y tế, giáo dục, văn hóa… là những lĩnh vực tư nhân hoàn toàn có thể làm. Chỉ có những lĩnh vực tư nhân không thể làm được thì Nhà nước mới cần tham gia vào. “Còn lại Nhà nước cần rảnh tay để thực hiện các nhiệm vụ quản lý thay vì tham gia kinh doanh”- ông nói.

Thời gian tới, SCIC sẽ phải thoái hết vốn nhà nước tại 10 doanh nghiệp “đẻ trứng vàng” như Công ty CP Sữa VN (Vinamilk), Tổng công ty CP Bảo Minh, Tổng công ty CP Tái bảo hiểm quốc gia VN, Công ty CP nhựa Thiếu Niên Tiền Phong, Công ty CP FPT, Công ty CP viễn thông FPT… Cụ thể, tại Vinamilk, Nhà nước giữ 45% cổ phần,  với giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán hiện nay, chỉ cần Nhà nước bán ra bằng với giá thị trường đã có thể thu được khoảng 4,52 tỉ USD. Với hai thương hiệu bia Habeco và Sabeco còn lại, hiện tỷ lệ vốn nhà nước tại doanh nghiệp tương ứng là 81,79% và 89,59%. 

Theo tính toán của các chuyên gia, nếu bán hết vốn nhà nước tại 10 công ty thuộc SCIC cùng Habeco, Sabeco, Nhà nước có thể thu được khoảng 150.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ đạo, khi tiến hành bán cổ phần tại các doanh nghiệp, phải đấu giá cạnh tranh, không phân biệt đối tác trong nước và nước ngoài, giá trị quyền sử dụng đất tính riêng. Đồng thời, có biện pháp pháp lý để giữ các thương hiệu quốc gia như bia Sài Gòn, bia Hà Nội, Vinamilk sau khi bán vốn nhà nước.