Doanh nghiệp kiệt quệ
Hậu quả do Covid-19 vẫn chưa khắc phục được thì thiên tai, bão lũ liên tiếp xảy ra tại miền Trung khiến hàng loạt DN tiếp tục lao đao, kiệt quệ. Thiệt hại trực tiếp do mưa lũ gây là những DN kinh doanh các mặt hàng nông nghiệp. Chị Phạm Thị Diễm Lệ - Giám đốc Công ty CP Nông sản hữu cơ Quảng Trị chia sẻ, trận lũ lụt lịch sử vừa qua đã ngâm nước gần 100 tấn lúa hữu cơ, thiệt hại khoảng 1,4 tỷ đồng. Ngoài ra, nhà xưởng, kho chứa và ruộng canh tác lúa hữu cơ bị hư hại toàn bộ, phải đầu tư lại từ đầu cũng phải tốn tiền tỷ. “Đối với một DN kinh doanh mặt hàng nông sản như chúng tôi, thiệt hại nặng nề như thế xem như trắng tay, phải bắt đầu lại”- chị Lệ nói.
Nông dân Quảng Trị vác lúa đã mọc mầm, chua hẩm đi sấy. Trận lụt vừa qua, hàng chục ngàn tấn lúa của người dân bị nước ngâm gây hư hỏng. Ảnh: Quang Hải |
Đối với các DN du lịch, họ kỳ vọng sau đợt dịch Covid-19 ở Việt Nam tạm lắng sẽ tìm cách kích cầu, kiếm khách để “có oxy mà thở", nhưng chưa kịp “thở” thì bão lũ triền miên ập đến. Anh Nguyễn Văn Bình -Giám đốc Công ty CP Thương mại Du lịch Tân Hoàng Thịnh (Đà Nẵng) cho rằng, không chỉ các DN tại miền Trung mà ngay cả những DN ở nhiều vùng miền khác cũng bị ảnh hưởng “kép” từ đại dịch Covid-19 và bão lũ, đặc biệt là ngành du lịch lữ hành. “Chúng tôi kỳ vọng có được lượng khách nho nhỏ để cầm cự sau đợt dịch vừa qua, nhưng chưa kịp gượng dậy thì bão lũ triền miên chẳng khác gì cú đòn kép giáng xuống, làm kiệt quệ”.Hàng loạt DN bất động sản ở TP Đà Nẵng và nhiều tỉnh miền Trung cũng điêu đứng khi suốt năm qua gần như không có giao dịch. Theo Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Phúc Hoàng Ngọc - ông Trương Sỹ Bình, chưa bao giờ DN phải đối diện với những khó khăn, thách thức như năm nay. “Đại dịch Covid-19 khiến sức đề kháng của cộng đồng DN nói chung, lĩnh vực bất động sản nói riêng suy giảm nghiêm trọng, có DN không thể trụ được. Giờ đây, miền Trung bão lụt triền miên, tác động tiêu cực đến toàn nền kinh tế nên chắc chắn các DN bất động sản khó càng thêm khó” - ông Bình nhận định.Cần tiếp tục chính sách giãn nợ cho doanh nghiệpĐại dịch Covid-19 xảy ra khiến ngành du lịch toàn thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng tê liệt. Sau đợt dịch thứ hai tạm lắng thì Việt Nam lại rơi vào mùa thấp điểm nên các DN du lịch càng khó khăn trong nỗ lực gượng dậy. DN lữ hành, lưu trú vốn khó khăn vì đại dịch Covid-19 nay bồi thêm mưa bão, lũ lụt khiến khách gần như không có.Ông Lê Tấn Thanh Tùng - Phó Tổng giám đốc Vitour chia sẻ: “Đợt dịch Covid thứ 2 bùng phát ở Đà Nẵng và một số tỉnh miền Trung khiến tâm lý du khách e ngại đến đây. Chưa hết dịch bệnh thì đến bão lũ, sạt lở liên tiếp xảy ra, đặc biệt con số thiệt hại về người quá lớn khiến người ta lo sợ cho sự an toàn khi đến du lịch các tỉnh miền Trung. Hơn nữa, bão lũ tàn phá khiến du khách có tâm lý đi du lịch miền Trung sẽ không được khám phá được trọn vẹn các danh lam thắng cảnh. Vì thế, du lịch Đà Nẵng cũng như các tỉnh miền Trung đang rất khó khăn. Hiện đã qua tháng 11 nhưng ngành du lịch Đà Nẵng vẫn chưa dám đưa ra chương trình kích cầu, mặc dù đã chuẩn bị đầy đủ hết mọi thứ”. Theo ông Tùng, sau đợt dịch Covid-19 đầu tiên, Chính phủ đã có chủ trương liên quan đến vấn đề hỗ trợ DN, đó là giãn nợ, nhưng chỉ đến hết quý III năm 2020 thôi. Nhưng sau đợt dịch thứ 2 và bão lũ vừa qua, Trung ương vẫn chưa có chủ trương tiếp tục hỗ trợ DN bằng cách giãn nợ vay ngân hàng sang năm 2021. Vì thế, áp lực đang vô cùng lớn đối với các DN, nhất là những DN đầu tư mới hoặc vay vốn để khởi nghiệp. “Chúng tôi đề xuất Chính phủ ngay lập tức có chủ trương chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước có hướng dẫn đối với các ngân hàng thương mại, cổ phần tiếp tục có chính sách giãn nợ qua năm 2021 cho các DN”, Phó Tổng giám đốc Vitour đề xuất. Bên cạnh đó, ông Lê Tấn Thanh Tùng tiếp tục đề xuất những chính sách hỗ trợ DN của Chính phủ cần phải làm triệt để. “Ví dụ, trước đây có chính sách hỗ trợ cho người lao động (có hợp đồng) làm trong ngành du lịch các tháng 5, 6, 7, thì hiện nay cần hỗ trợ thêm các tháng 8, 9, 10 để họ trang trải phần nào khó khăn. Ngoài ra, các DN du lịch cũng cần được hỗ trợ chi phí về điện nước, viễn thông trong giai đoạn cầm cự vì không có khách” - ông Tùng nói.Trong khi đó, nhiều DN kinh doanh mặt hàng nông sản ở miền Trung chịu thiệt hại quá nặng nề do lũ lụt lịch sử. Sau trận lụt vừa qua, Công ty CP Nông sản Hữu cơ Quảng Trị gần như mất trắng. Ngoài 100 tấn lúa hữu cơ bị ngâm nước không sử dụng được gây thiệt hại khoảng 1,4 tỷ đồng, công ty này còn bị hư hỏng nhà kho, đặc biệt là 100 ha ruộng canh tác phải đầu tư lại từ đầu. “Ruộng lúa hữu cơ được ngăn cách để tránh lây nhiễm chéo các loại dịch bệnh. Bây giờ nước lũ hòa chung nên ruộng hữu cơ cũng như canh tác vô cơ. Vì thế, ngay sau lụt bão cần phải khắc phục để kịp cho vụ mùa sắp tới, mà chi phí mua men vi sinh tái tạo lại đất, giải quyết độc tố cho 100 ha đất lên đến 2 tỷ đồng. Chưa kể chi phí hệ thống kho bãi cũng gần cả tỷ đồng. Đây là con số quá lớn đối với DN chúng tôi. Quá khó khăn”- chị Phạm Thị Diễm Lệ, Giám đốc ty CP Nông sản Hữu cơ Quảng Trị cho hay.Để trợ giúp DN vượt qua khó khăn, chị Lệ đề xuất: “Trong vụ mùa tới, chúng tôi mong muốn được tỉnh hỗ trợ lúa giống và một phần chi phí cải tạo đất. Ngoài ra, DN mong được chậm đóng Bảo hiểm xã hội bởi trong bối cảnh hiện nay lương cho nhân viên, các khoản tái tạo sản xuất đã vượt quá sức của chúng tôi”. Dải đất miền Trung vốn cong như đòn gánh người mẹ thường dùng, năm nay hết dịch bệnh đến mưa bão, lũ lụt, sạt lở kinh hoàng khiến người dân nơi đây rơi vào hoàn cảnh khốn khó. Nguy cơ đói nghèo hiện hiện. Bên cạnh việc hỗ trợ cho người dân về lương thực, thuốc men hay dựng lại nhà cửa..., việc cấp bách nữa là hỗ trợ cho cộng đồng DN nơi đây phục hồi sản xuất, kinh doanh. Có như vậy, dải đất miền Trung mới lấy lại sức sống của mình và góp phần phát triển kinh tế của đất nước cũng như ổn định đời sống xã hội.q