Theo ông Nguyễn Đình Lập - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Trường Phúc Hưng Yên, DN hiện có gần 1.000 lao động, với mức tăng lương tối thiểu, theo tính toán, chi phí đóng bảo hiểm xã hội tăng theo, chưa kể các khoản như phúc lợi xã hội, nên buộc phải điều chỉnh quỹ lương cho hợp lý.
Công ty TNHH Trường Phúc Hưng Yên luôn đảm bảo đời sống người lao động với mức lương trên mức tối thiểu vùng. Ảnh: Khắc Kiên |
“Việc tăng lương tối thiểu liên tục như thế này sẽ là gánh nặng của DN, nhất là DN sử dụng nhiều lao động. Do đó, nên có lộ trình hợp lý để các DN ổn định sản xuất. Bởi thực tế, người lao động tại công ty đã hưởng lương trên mức tối thiểu và DN cũng thực hiện nghĩa vụ theo đúng quy định” - ông Lập mong muốn.
Có cùng quan điểm với ông Nguyễn Đình Lập, nhiều DN cho rằng, chính sách tăng lương là bảo vệ quyền lợi người lao động, song tăng lương, DN sẽ bị ảnh hưởng về đóng bảo hiểm xã hội, dẫn đến áp lực về đơn giá sản phẩm tăng. Do đó, về nguyên lý cơ bản, tăng lương phải đi đôi với tăng năng suất lao động. Khi năng suất lao động tăng, tiền lương cao, nghĩa là các DN phải xây dựng đơn giá sản phẩm và người lao động hưởng mức lương theo sản phẩm làm ra.
Trưởng ban Cố vấn Hiệp hội DNNVV Hà Nội Trịnh Thị Ngân cho biết, về mặt chính sách, Nhà nước bảo vệ người lao động là đúng. Tuy nhiên, tăng lương lương tối thiểu vùng sẽ làm tăng chi phí đầu vào về nguyên liệu, điện nước… và khi đó, sức cạnh tranh của DN sẽ bị ảnh hưởng.
“Cần phải nhìn nhận để tăng năng suất lao động các DN phải đầu tư máy móc, thiết bị công nghệ chứ không phải người lao động thủ công có thể tăng được. Và không đơn giản DN nào cũng có đủ tiềm lực để đầu tư” - bà Ngân nói và lấy ví dụ như May 10 có thể đầu tư vài chục tỷ đồng mua máy thêu, máy đính khuy… chỉ cần 4 công nhân để thay cho 100 công nhân, dẫn đến giảm số lượng lao động.
Theo bà Ngân, mức lương tối thiểu chỉ áp dụng với người lao động mới vào làm việc, một số công ty, nhất là DN có số động lao động đã áp mức lương cao hơn mức tối thiểu. Do đó, nên để DN chủ động cho người lao động hưởng lương theo định mức sản phẩm. Còn việc tăng lương chủ yếu là DN FDI lấy cơ sở vào đó làm mức sàn để áp dụng trả lương cho công nhân, tránh vi phạm quy định. “Theo tôi, cũng nên xem xét lại việc tăng lương tối thiểu hàng năm, nên có lộ trình 5 năm một lần” - bà Ngân nói.