"Hạn chế của các DN hiện nay là nguồn lực không nhiều, nhưng lại thích bỏ "trứng" vào quá nhiều "giỏ", đầu tư dàn trải dẫn đến kết cục là chẳng chỗ nào hiệu quả, hao hụt vốn liếng" - một trong những điểm yếu của các DN nhỏ và vừa (DNNVV) đã được các chuyên gia thẳng thắn chỉ ra tại buổi tọa đàm "Kinh tế những tháng đầu năm và chiến lược cho DNNVV" do Hiệp hội DNNVV Việt Nam vừa tổ chức.
Theo kinh nghiệm của ông Phạm Đình Đoàn - Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, việc xác định lợi thế cho DN là rất quan trọng. Từ chỗ biết được lợi thế của mình, DN nên áp dụng nguyên tắc "bỏ trứng vào một giỏ" chứ không phải "bỏ trứng vào nhiều giỏ", bởi không có nhiều nguồn lực. "Thời gian qua, nhiều DN kinh doanh theo kiểu cái gì hay thì mở ào ạt nên khó thành công. Các sản phẩm dịch vụ cũng nửa chừng" - ông Đoàn chia sẻ.
Thực tế cho thấy, các DNNVV phải tập trung vào thế mạnh của mình thì mới thành công. Khi dồn "trứng vào một giỏ" thì DN phải xây dựng chiến lược kinh doanh cụ thể để sử dụng tốt nguồn lực sẵn có. Đặc biệt, hội nhập vào Cộng đồng Kinh tế ASEAN đang đến rất gần, DN Việt Nam càng phải chú trọng hơn vấn đề này. Đồng thời, DN nên tìm hiểu kỹ lĩnh vực định đầu tư, lựa chọn những việc phù hợp với nguồn lực sẵn có, nếu cứ ham đầu tư mà không dựa trên nguồn lực sẵn có thì sẽ cầm chắc thất bại.
Bên cạnh đó, ông Trương Đình Tuyển - nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại muốn lưu ý các DN phải không ngừng sáng tạo để tạo sự khác biệt cho sản phẩm của mình: "DN phải chọn được sản phẩm mục tiêu của mình là gì, hướng đến đối tượng khách hàng nào. Đó là một trong những yếu tố quyết định sự phát triển của DN".
Một thực tế phổ biến hiện nay là nhiều DN Việt Nam còn chậm đổi mới, ngại thay đổi, trong khi cùng một mặt hàng đó, các DN Hàn Quốc, Trung Quốc có rất nhiều mẫu mã để giới thiệu. "Muốn bán được sản phẩm trong thời buổi cạnh tranh khốc liệt, có nhiều DN cùng làm ra sản phẩm giống mình thì nhất thiết DN phải thay đổi mẫu mã, cách tiếp thị…" - ông Đinh Quang Ngữ - Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam góp ý.
Vấn đề được đặc biệt lưu tâm là, điều gì sẽ xảy ra khi mà nền kinh tế Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu vào thế giới, trong khi các DNNVV vẫn không chịu thay đổi tư duy, cách làm trong sản xuất, kinh doanh? Câu trả lời, theo các chuyên gia, là DN sẽ ngày càng tụt hậu, nhỏ bé đi, thậm chí là sẽ bị thôn tính.
Kinhtedothi - Để tồn tại và phát triển, doanh nghiệp cần có những sản phẩm hấp dẫn để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Ảnh: Quỳnh Linh |