Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp nợ bảo hiểm trên 10.000 tỷ đồng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, bước sang năm 2013, với tình hình kinh tế tiếp tục diễn biến khó khăn, tình trạng nợ, trốn đóng BHXH cũng diễn biến phức tạp trên khắp cả nước.

Tại tất cả các tỉnh, thành phố, danh sách doanh nghiệp “chúa chổm” về nợ bảo hiểm đều dài dằng dặc. Thậm chí, những nơi kinh tế càng phát triển, thì tỷ lệ nợ càng cao.

Doanh nghiệp nợ bảo hiểm trên 10.000 tỷ đồng - Ảnh 1
 
 Doanh nghiệp nợ bảo hiểm ngày càng gia tăng là do kinh doanh gặp khó khăn. Ảnh: HH
 
Bà Đỗ Thị Xuân Phương, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, lũy kế đến hết tháng 2/2013, các doanh nghiệp, đơn vị trên cả nước nợ tiền đóng BHXH, bảo hiểm y tế lên tới gần 10.400 tỷ đồng. Trong đó, nợ BHXH chiếm gần 7.800 tỷ đồng, nợ bảo hiểm y tế hơn 2.600 tỷ đồng. Dù các địa phương đã quyết liệt áp dụng biện pháp mạnh tay là kiện các doanh nghiệp có số nợ lớn ra tòa, nhưng tỷ lệ nợ không những không giảm, mà vẫn tiếp tục tăng cao.

Nguy hiểm hơn, hơn 50% đơn vị bảo hiểm trong tình trạng có tỷ lệ nợ cao hơn mức bình quân cả nước. Chính vì số nợ quá lớn, nên Quỹ BHXH đang rơi vào tình trạng mất cân đối nghiêm trọng giữa thu và chi. Theo thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2013, tổng mức thu bảo hiểm chỉ đạt 15.988 tỷ đồng, trong khi tổng số chi lên đến hơn 23.866 tỷ đồng, mất cân đối gần 7.900 tỷ đồng.

 
Nguyên nhân chính dẫn tới tỷ lệ nợ tăng vọt, theo bà Nguyễn Thị Phương Mai, Giám đốc BHXH Hà Nội, là do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế. “Hà Nội cũng giống như các địa phương khác, có hàng ngàn doanh nghiệp phải đóng cửa hoặc thu hẹp sản xuất. Kinh tế khó khăn, tiền lương cho công nhân còn không có để trả, nên việc nợ BHXH là điều dễ hiểu”, bà Mai nói.

Với nỗ lực quyết liệt thu nợ, từ vài năm trước, TP HCM đã đi đầu trong việc đưa các doanh nghiệp có số nợ lớn ra tòa. Sau đó, Hà Nội cũng rốt ráo thực hiện giải pháp mạnh này. Đến nay, việc kiện doanh nghiệp ra tòa đã được hầu hết các địa phương áp dụng quyết liệt, nhằm đảm quyền lợi người lao động, cũng như nguồn thu cho quỹ.

Trong năm 2012, gần 600 doanh nghiệp tại TP HCM đã bị kiện ra tòa vì nợ BHXH, chiếm hơn 80% số doanh nghiệp trong cả nước bị khởi kiện vì nợ bảo hiểm. Quyết liệt thế, nhưng kể cả sau khi đã có phán quyết của tòa án, tỷ lệ đòi được nợ BHXH tại TP HCM cũng chỉ đạt gần 28% so với số nợ phải thu. Tương tự, tại Hà Tĩnh, số nợ thu được so với mức nợ ghi trong bản án của tòa cũng chỉ đạt hơn 30%.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ổn định, nhưng vẫn cố tình chây ỳ, không nộp bảo hiểm, hoặc vẫn khấu trừ tiền bảo hiểm vào lương hàng tháng của người lao động, song không nộp cho cơ quan bảo hiểm. Trong khi đó, mức xử phạt hành chính cao nhất hiện nay đối với hành vi chiếm dụng này chỉ là 30 triệu đồng, nên chưa đủ sức răn đe doanh nghiệp. Một số cơ quan BHXH địa phương đã nhiều lần kiến nghị rằng, phải xem hành vi chiếm dụng tiền BHXH của người lao động là sai phạm hình sự, thì mới đủ sức răn đe, ngăn ngừa vi phạm. Tuy nhiên, kiến nghị này vẫn chưa được chấp thuận.

Dự thảo sửa đổi Luật BHXH 2007 đang được lấy ý kiến để trình Quốc hội thông qua, với hy vọng sẽ cải thiện việc thực hiện nghĩa vụ nộp bảo hiểm của doanh nghiệp. Từ nay đến khi đó, hàng trăm ngàn lao động vẫn tiếp tục phải chịu thiệt thòi.