Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp nội yếu thế

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại buổi tọa đàm về tăng trưởng kinh tế vĩ mô của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức ngày 16/1, các chuyên gia nhấn mạnh, khu vực sản xuất trong nước ngày càng trở nên yếu thế hơn so với khối ngoại.

Doanh nghiệp nội đóng góp bao nhiêu?
Kinh tế Việt Nam trong năm 2017 đã tăng mạnh trở lại nhưng vẫn còn rất nhiều nhược điểm như tăng trưởng chủ yếu dựa vào đầu tư nước ngoài, năng suất lao động còn rất thấp, kinh tế tư nhân còn yếu... “Hoan nghênh những nỗ lực tiến bộ của Chính phủ 2017 thúc đẩy kinh tế tư nhân, nhưng phải nhìn thẳng đóng góp DN nội thấp, khu vực tư nhân rất yếu” - chuyên gia Lê Đăng Doanh phát biểu. Theo ông Doanh, DN tư nhân hầu như không thay đổi gì về cơ cấu, tỷ trọng đóng góp khá yếu (dưới 10%), phần lớn là kinh tế hộ gia đình, khả năng cạnh tranh thấp. Trong khi đó, giá trị GDP của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào sản lượng của khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Việt Nam lại chưa có những DN với thương hiệu cho bản thân mình và như vậy sẽ không thể tiếp tục duy trì tỷ lệ xuất khẩu cao như hiện nay. “Phải đặt câu hỏi FDI nội địa hóa là bao nhiêu? Samsung công bố tỷ lệ nội địa hóa 52% nhưng nghiên cứu của Fulbright, tỷ lệ chỉ 16%. Phải phân tích thực chất cái chúng ta được hưởng của FDI là gì, nếu họ chuyển vốn và lợi nhuận về nước ngoài?” - ông Doanh nói.

Sản xuất sợi tại Công ty CP Đồng Phát, Khu công nghiệp Thạch Thất, Quốc Oai, Hà Nội.  Ảnh: Danh Lam

Theo các chuyên gia, việc tham gia vào chuỗi cung ứng linh – phụ kiện cho các FDI là điều không thể không làm đối với các DN Việt Nam. Song với phần lớn là các DN nhỏ và vừa, Việt Nam cũng đang gặp rất nhiều thách thức, rào cản trong việc tham gia được vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn.

"Đồng tiền có chân"

2018 là năm hội nhập bản lề, các hiệp định thương mại tự do được thực hiện nghiêm túc, thuế nhập khẩu xuống 0 vừa gây sức ép lớn cho ngân sách, thu thuế từ xuất nhập khẩu có thể giảm xuống nghiêm trọng. Đây cũng là lý giải vì sao Bộ Tài chính phải tìm nguồn thu khác trám vào. Ông Trương Đình Tuyển - nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại đánh giá, công nghệ thông tin sẽ làm thay đổi năng suất lao động. "Việt Nam là một trong những nước nói nhiều nhất về cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy nhiên nhiều nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái lan đã làm thật, còn nước ta thì nói nhiều nhưng làm ít quá. Phải đầu tư vào khoa học công nghệ, khuyến khích khởi nghiệp, ủng hộ DN trẻ sáng tạo” - ông Tuyển nhấn mạnh.

Ông Tuyển cũng cho hay, trong số các DN trẻ, có những DN rất giỏi, nước ngoài sẵn sàng đầu tư vốn vào. “Tôi xin nói là đồng tiền có chân, người ta sang Singapore chỉ 2 tiếng mất 10 USD là họ cho đăng ký ngay. Do đó phải biến sức ép thành động lực phát huy, giữ được sự năng động của thế hệ trẻ” - ông Tuyển chia sẻ.

Theo các chuyên gia, để thực sự thúc đẩy khu vực tư nhân, cần phải có sự chuyển hướng chính sách, không để có những DN thay vì cạnh tranh thực sự thì biếu xén lợi ích nhóm, ăn chênh lệch hưởng lợi. “Chúng ta đang nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, nhưng mấu chốt là thể chế. Thủ tướng đã nhắc đến 3 lần: Thể chế, thể chế và thể chế. Có cái chúng ta chưa làm tốt là phải đặt DN vào thị trường và cạnh tranh, phải tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế nhưng hiện nay chưa bình đẳng” - TS Võ Trí Thành bày tỏ.
Cũng tại buổi tọa đàm, các chuyên gia kiến nghị thành lập “siêu ủy ban” để tước bỏ lợi ích nhóm của các bộ, ngành. Nếu vẫn giữ kiểu chia quyền cho bộ và địa phương thì chẳng khác nào bổn cũ soạn lại, không thể quản lý được. Các chuyên gia cho rằng, phải tách các bộ làm chính sách ra khỏi các DN, đồng thời, đề cao sự minh bạch, hoạt động giám sát, năng lực và tính chuyên nghiệp để giảm thiểu rủi ro tới mức tối đa.