Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp OTT mong được… quản!

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ TT&TT cần sớm ban hành chính sách quản lý đối với dịch vụ OTT (ứng dụng thoại và SMS miễn phí trên di động). Đây là mong muốn của không chỉ các nhà mạng mà còn là của chính các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ này.

Vẫn chưa có chính sách quản lý

Chia sẻ tại Bàn tròn chuyên đề OTT (ứng dụng thoại và SMS miễn phí trên di động) trong khuôn khổ Triển lãm Quốc tế Viễn thông & CNTT (Vietnam Telecomp 2013) diễn ra tại TP Hồ Chí Minh từ 20 - 23/11, ông Trần Tuấn Anh - Trưởng phòng Cơ chế chính sách của Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) đưa ra con số phát triển thuê bao OTT khá mạnh mẽ. Nếu tháng 1/2012 Việt Nam mới có 0,048 triệu thuê bao, tháng 2/2013 đã là 0,4 triệu thuê bao và đến tháng 8/2013 lên tới 3,6 triệu thuê bao. Trong đó, Viber đang là nhà cung cấp có số lượng thuê bao lớn nhất với trên 50% thị phần. Viber tuyên bố sẽ có 10 triệu thuê bao tại Việt Nam vào cuối năm nay. Trong khi đó, một OTT nội là Zalo tự tin tuyên bố đã đạt 5 triệu người dùng vào 24/9/2013. Có thể vài tháng tới thị trường sẽ có thêm một số thương hiệu OTT mới khác.

 
Các doanh nghiệp viễn thông cần hợp tác với doanh nghiệp OTT để cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Ảnh: Đinh Tùng
Các doanh nghiệp viễn thông cần hợp tác với doanh nghiệp OTT để cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Ảnh: Đinh Tùng

Thực tế, không riêng Việt Nam mà dịch vụ OTT đã làm ảnh hưởng đến hầu hết các nhà mạng trên toàn cầu. 8 tỷ USD là con số thất thu của nhà mạng toàn cầu do sự lớn mạnh của dịch vụ OTT, dự báo đến năm 2015 là gần 20 tỷ USD. Cụ thể, OTT làm giảm doanh thu của Vodafone 7,6%, Telefonika 6,5%, Orange 5,7%... Nhiều quốc gia đã đưa ra chính sách cứng rắn như chặn dịch vụ này, bắt OTT chia sẻ với nhà mạng hoặc đưa ra chính sách phụ thu OTT. Vậy, Việt Nam sẽ quản dịch vụ OTT theo hướng nào? Đã có thời điểm, các nhà mạng kiến nghị cần có cơ chế mạnh tay để "hãm phanh" các OTT. Tuy nhiên, quan điểm của cơ quan quản lý là phải làm sao phát triển thị trường viễn thông bền vững, duy trì cạnh tranh và nhà mạng phải đảm bảo tái đầu tư cho hạ tầng. Ông Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ TT&TT đã chỉ thị cho các doanh nghiệp viễn thông hợp tác với các doanh nghiệp OTT để cung cấp dịch vụ cho khách hàng, thay vì đối đầu triệt tiêu nhau. Còn hiện tại vẫn chưa có quyết định cụ thể về chính sách quản lý dịch vụ OTT tại Việt Nam.

Tìm mô hình hợp tác “win - win”

 Các nhà mạng lớn như Vinaphone, MobiFone hay Viettel đều khẳng định họ rất muốn hợp tác "win - win" với các doanh nghiệp OTT để đôi bên cùng có lợi, cùng phát triển cộng sinh. Viettel khẳng định sẵn lòng hợp tác với các doanh nghiệp OTT để cung cấp cho khách hàng những giá trị mới. Tuy nhiên, sự bắt tay này chỉ có hiệu quả khi có khuôn khổ pháp lý cho OTT phát triển, còn nếu quản như hiện nay thì nhà mạng… thiệt! Ông Nguyễn Đình Chiến - Phó Tổng Giám đốc MobiFone cho rằng, dịch vụ thoại trên OTT hay thoại trên GSM đều giống nhau do đó doanh nghiệp OTT cũng phải chịu sự quản lý về giá, về chất lượng dịch vụ, cũng như không được phép bù chéo dịch vụ.

Bàn về mô hình hợp tác giữa nhà mạng và nhà OTT, ông Denis Brunetti - Phó Tổng Giám đốc Công ty Ericsson Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm của các thị trường châu Âu và châu Mỹ trong việc xây dựng những gói cước đa dạng, kết hợp dịch vụ nhắn tin và dịch vụ dữ liệu đã mang lại sự tăng trưởng. Chẳng hạn, nhà mạng AT&T đã tăng trưởng 8,5% về doanh thu nhờ cung cấp thiết bị kết hợp các gói cước về dịch vụ dữ liệu. Mạng Verizon cũng áp dụng những gói cước khác nhau giúp tăng trưởng doanh thu 14,5%.

Hiện, các doanh nghiệp OTT tại Việt Nam mới chỉ tập trung chủ yếu vào dịch vụ thoại và SMS miễn phí, về lâu dài sẽ có nhiều hạn chế. Nếu hợp tác với các nhà mạng, các OTT mới có thêm cơ hội cạnh tranh với các OTT ngoại đa dạng và nhiều kinh nghiệm hơn.