Đó là ý kiến của nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Tá tại Diễn đàn Doanh nhân Việt Nam với chủ đề “Giữ vững niềm tin – Vượt qua thử thách” vừa diễn ra ngày 13/10 tại Hà Nội. Diễn đàn do Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) tổ chức nhằm chia sẻ, thảo luận và bàn giải pháp khắc phục những khó khăn của các doanh nghiệp hiện nay.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số doanh nghiệp thành lập mới trong 9 tháng đầu năm 2012 là khoảng 51.000 với tổng số vốn đăng ký trên 350,5 nghìn tỷ đồng, giảm 11,7% về số doanh nghiệp nhưng tăng 0,7% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2011.
Nhiều ý kiến cho rằng điều kiện về tiếp cận vốn vay tuy chưa được như mong muốn song đã có cải thiện rõ rệt.
Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp cũng cho rằng bên cạnh các các yếu tố bên ngoài, một nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó do doanh nghiệp không có kế hoạch đầu tư theo đúng năng lực mà đầu tư tràn lan sang các lĩnh vực khác.
Trước thực trạng khó khăn đó, các cơ quan chức năng đã cùng chung sức với các doanh nghiệp tìm giải pháp tháo gỡ. Trong hơn 4 tháng triển khai Nghị quyết 13/NQ-CP, ngành thuế đã gia hạn 9.987 tỷ đồng tiền thuế giá trị gia tăng (VAT) cho 208.250 doanh nghiệp; gia hạn thuế thu nhập doanh nghiệp cho 8.260 doanh nghiệp với tổng số tiền 347,5 tỷ đồng; giảm 50% tiền thuê đất năm 2012 cho 3.150 doanh nghiệp thương mại, dịch vụ trị giá 339 tỷ đồng.
Về giải quyết hàng tồn kho và xử lý nợ xấu, hầu hết các doanh nghiệp áp dụng giải pháp tìm thị trường mới và giảm giá bán để giải phóng hàng tồn kho. Cùng với đó, các doanh nghiệp kiến nghị các cơ quan chức năng đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại.
Về các biện pháp và chính sách khơi thông nguồn vốn, nhiều ý kiến cho rằng, điều kiện về tiếp cận vốn vay tuy chưa được như mong muốn song đã có cải thiện rõ rệt. Điều này cho thấy tiếp cận vốn vay đã dễ dàng hơn ở quý III và theo dự cảm của một số doanh nghiệp thì có thể tốt hơn trong quý IV. Đây là kết quả của những giải pháp của Chính phủ cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong thời gian qua, như hạ lãi suất cho vay, khuyến khích ngân hàng ngồi lại với doanh nghiệp để cơ cấu lại nợ cũ, cho vay mới, giảm thuế, giãn thuế.
Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Tá, các động thái giảm, giãn thuế là cần thiết, song cần tiếp tục nghiên cứu giải pháp giảm thuế trong thời gian tới.
Không tán thành với đề xuất hạ hạ điều kiện cho vay, song ông Trần Văn Tá cho rằng tạm thời cần có chính sách khoanh nợ với các khoản vay cũ rơi vào nợ khó đòi, nợ chậm trả. Ông cũng nhấn mạnh, bên cạnh sự hỗ trợ chính sách, cải thiện môi trường đầu tư từ Chính phủ, hơn bao giờ hết, doanh nghiệp vay mới phải có trách nhiệm sử dụng nguồn tiền hiệu quả, các ngân hàng cũng phải kiểm soát đồng vốn thật tốt, không hạ chuẩn vay.