Đại diện một doanh nghiệp cho biết chi phí đầu vào tăng cao mà không thể đẩy cước cao hơn nữa khiến các hãng không lãi nhiều. Trong khi đó, còn rất nhiều loại thuế phí khiến kinh doanh taxi không hề dễ dàng. Khủng hoảng kinh tế, nhà nhà thắt chặt chi tiêu nên khách đi xe cũng không nhiều như trước.
Lãnh đạo taxi Hương Lúa tại Hà Nội thừa nhận kinh doanh của mình kém hơn trước đây. Năm ngoái, công ty hoạt động không có lãi và năm nay "đối mặt với khoản lỗ tương đối", ông cho biết. Công ty đã phải cắt giảm chi tiêu và khoảng 10% nhân sự.
"Chúng tôi đang phải cơ cấu lại nhân sự, gần như không mở rộng và cũng không mua sắm thêm xe", ông nói. Năm 2013, Hương Lúa chưa thể tính chuyện có lãi mà chỉ đặt mục tiêu ổn định kinh doanh.
Các doanh nghiệp taxi đang đối mặt với nhiều khó khăn. Ảnh: Anh Quân
Ngay như "đại gia" Mai Linh trong tháng 9 vừa qua cũng bị dọa kiện vì nợ bảo hiểm xã hội lên đến hơn 30 tỷ đồng. Mai Linh cũng thừa nhận do tình hình kinh tế khó khăn nên mới phải nợ bảo hiểm. Doanh thu của Mai Linh năm nay sụt giảm khoảng 10-18% so với năm ngoái.
Với số nợ vốn vay lên đến 500 tỷ đồng của khoảng 800 nhà đầu tư, Tập đoàn này đang phải tính chuyện thanh lý bất động sản, cơ sở vật chất, trạm dừng…
Tại miền Trung, tập đoàn mẹ Mai Linh đã bán gần hết cổ phần trong công ty con (Mai Linh Miền Trung - MNC). Tập đoàn đang sở hữu 3,86 triệu cổ phiếu MNC (khoảng 48%) và định bán bớt 3,4 triệu cổ phiếu trong thời gian từ 21/12 đến 18/1/2013.
Không riêng gì Mai Linh, nhiều hãng taxi khác cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Chính vì điều đó, nhiều hãng đang loay hoay tìm cách tồn tại, hoặc nếu không phải bán lại cho đơn vị khác.
Đại diện Vinasun cho biết hiện đã nhận được nhiều lời gợi ý và mong muốn bán lại hoặc hợp tác với Vinasun. "Việc một số hãng taxi muốn hợp tác, liên kết - liên doanh với Vinasun có thể do họ đang gặp khó khăn. Mặt khác, họ có thể cũng rất cần kinh nghiệm quản lý, khai thác", ông Tạ Long Hỷ, Giám đốc Taxi Vinasun nói.
Theo ông Hỷ, sắp tới Vinasun sẽ xem xét các phương án tiếp nhận một hay hai hãng taxi khác. Phương án tiếp nhận được tính đến có thể mua hẳn thương quyền hay cùng hợp tác kinh doanh và quan tâm đến các yếu tố khác như: giá bán, tổ chức hoạt động bấy lâu nay của hãng đó...
Trao đổi với PV, đại diện Hiệp hội taxi TP HCM cho rằng hiện thị trường việc hãng khác muốn bán hay hợp tác là do kinh tế khó khăn, không liên quan đến việc thâu tóm hoặc độc quyền. Vinasun hiện đang chiếm khoảng 40% thị phần taxi TP HCM.
"Thị trường taxi cũng như các thị trường kinh doanh khác luôn phải tôn trọng quy luật thị trường. Mặc dù sắp tới tình hình kinh tế chung vẫn còn nhiếu khó khăn nhưng chắc chắn thị trường taxi vẫn ổn định và phát triển. Sự thành công hay không còn do năng lực và khả năng khai thác thị trường của mỗi doanh nghiệp", đại diện Hiệp hội taxi đánh giá.
Ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho rằng các công ty vận tải đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, đặc biệt là thuế và chi phí đầu vào. "Các chi phí này cộng dồn vào nhau, với một doanh nghiệp có hàng trăm xe thì tổng tiền phải bỏ ra đã lên tới vài tỷ đồng. Đây là con số không hề nhỏ trong thời buổi kinh tế hiện nay", ông Bình nhận định.
Ông đề nghị ngành taxi cần nhận được những chính sách và ưu đãi từ phía cơ quan quản lý. "Mỗi năm các doanh nghiệp taxi đóng thuế hàng trăm tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho khoảng 30.000 lao động. Taxi cũng là phương tiện vận tải hữu ích. Tính riêng năm 2011, taxi Hà Nội đã đưa đón hơn 100 triệu lượt khách", ông giãi bày.
Theo ông Bình, thời gian qua lượng khách đi taxi đã giảm tới 40%. Nguyên nhân là do hiện trạng việc làm không tốt, không ít công ty nước ngoài phải rút quân, đơn vị trong nước cũng phải cắt nhân lực, gây sụt giảm đáng kể về số lượng khách hàng. Ngoài ra, lượng người dùng là các gia đình cũng đi xuống do kế hoạch thắt chặt chi tiêu.
"Hiệp hội đã gửi văn bản kiến nghị lên các cấp chức năng, hy vọng có những biện pháp mang tính ưu tiên cho các doanh nghiệp để chống chọi với cơn bão kinh tế", ông Bình nói.