Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp Thủ đô tích cực vào cuộc

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện Kế hoạch của Ban chỉ đạo T.Ư Cuộc vận động (BCĐ CVĐ) "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" năm 2013, BCĐ CVĐ TP Hà Nội vừa tổ chức 2 đoàn công tác kiểm tra kết quả triển khai CVĐ ở một số DN trên địa bàn.

Thực tế cho thấy, đa số DN đã nhận thức được ý nghĩa sâu sắc của CVĐ, chú trọng tuyên truyền, quảng bá sản phẩm hàng Việt, đồng thời thường xuyên phối hợp với các đơn vị tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, đưa hàng Việt Nam đến tay người tiêu dùng (NTD).

 Chuyển biến từ nhận thức tới hành động

Tại các đơn vị sản xuất hàng Việt, cơ bản DN nhận thức được tầm quan trọng của CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Để có được chỗ đứng vững chắc trên thị trường nội địa, họ xác định phải không ngừng cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, tự tìm chiến thuật phù hợp đơn vị mình. Điển hình, Tổng Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội. Để đáp ứng thị hiếu NTD cũng như điều kiện xã hội hiện nay, đơn vị đã đầu tư nghiên cứu đưa ra thị trường sản phẩm mới bia không cồn, mở rộng thị trường, đưa 10 giải pháp để bảo vệ thương hiệu bia hơi Hà Nội; nâng cao hệ thống dịch vụ bán hàng, có các địa chỉ vàng; mở rộng thị trường ra các tỉnh, TP phía Bắc.
Khách hàng lựa chọn sản phẩm tại siêu thị BigC.
Khách hàng lựa chọn sản phẩm tại siêu thị BigC.
Tại Công ty CP Khóa Việt Tiệp, để cạnh tranh được với hàng Trung Quốc, DN đã đầu tư thiết bị Đài Loan để nâng cao công nghệ, làm đẹp sản phẩm mà giá thành không tăng; áp dụng những quy trình nghiêm ngặt ngay từ khâu sản xuất, kiểm tra kỹ càng những bộ phận nhỏ nhất của sản phẩm trước khi xuất xưởng. Hiện nay, khóa Việt Tiệp chủ yếu tiêu thụ trong nước, được NTD đánh giá cao. Dù vậy, Công ty vẫn tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo chỗ đứng vững chắc trên thị trường nội địa, không ngừng mở rộng thị phần, dùng phương châm NTD giới thiệu cho NTD. Thậm chí, DN đã cử cán bộ mang sản phẩm đi so sánh với hàng giả, hàng nhái để các nhà phân phối và NTD phân biệt được, qua đó, củng cố thương hiệu khóa Việt Tiệp ngay trên "sân nhà".

Không trực tiếp sản xuất, Siêu thị Lan Chi, Công ty An Việt với chức năng phân phối sản phẩm đã cố gắng liên kết với các DN hàng đầu trong nước, cung ứng những sản phẩm được NTD ưa chuộng ra thị trường, luôn đặt mục tiêu ưu tiên số 1 cho hàng Việt. Theo lãnh đạo siêu thị Lan Chi, hàng "made in Vietnam" ngày càng phong phú về chủng loại, chất lượng tốt, giá phù hợp hơn rất nhiều so với hàng nhập khẩu. Qua khảo sát thị trường cho thấy, NTD ngày càng nghi ngại về chất lượng của một số sản phẩm nước ngoài không rõ nguồn gốc, chất lượng kém, độc hại, còn sản phẩm của Hàn Quốc, Nhật Bản, EU… lại quá đắt, không phù hợp với mức thu nhập của đa số NTD. Đây là điểm nhấn rất quan trọng, thời cơ cho các DN sản xuất, phân phối hàng Việt.

Cần nỗ lực của cả nhà quản lý và doanh nghiệp

Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, thực hiện công tác kiểm tra kiểm soát thị trường, năm nay, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, UBND TP về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, tháo gỡ khó khăn cho DN, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, bình ổn giá cả... Sở Công Thương đã chú trọng kiểm tra công tác bình ổn giá và bán đúng giá niêm yết đối với hàng hóa lưu thông trên địa bàn, kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành các quy định về hoạt động thương mại của các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ... 9 tháng năm 2013, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra xử lý 5.551 vụ vi phạm, thu nộp hơn 89,4 tỷ đồng. Trong đó, phạt hành chính hơn 17,2 tỷ đồng; trị giá hàng tịch thu gần 55 tỷ đồng; trị giá hàng tiêu hủy gần 16,3 tỷ đồng.

Cùng với những nỗ lực của bản thân, lãnh đạo các DN cũng kiến nghị các sở, ngành TP, nhất là Chi cục Quản lý thị trường giám sát, quản lý chặt hàng nhập khẩu, xử lý hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng để không ảnh hưởng đến uy tín chất lượng hàng Việt. Nhà nước cần quan tâm các chế độ ưu đãi về thuế, hỗ trợ DN sản xuất mặt hàng chủ lực. Các cơ quan truyền thông phát quảng cáo tuyên truyền về hàng Việt cũng nên ưu tiên chọn giờ cao điểm có nhiều người xem.

Ghi nhận những cố gắng tích cực của DN trong thực hiện CVĐ, ông Đào Văn Bình - Chủ tịch UBMTTQ TP, Trưởng BCĐ CVĐ TP tiếp tục yêu cầu các đơn vị tăng cường tuyên truyền trong khối DN về ý thức trách nhiệm với NTD, chú trọng xây dựng uy tín thương hiệu, từng bước chiếm lĩnh thị trường, duy trì cổ động hàng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng, hội đoàn thể, tổ chức nhiều phiên chợ hàng Việt, chủ động đưa hàng Việt đến tận tay NTD, nhất là ở vùng sâu, vùng xa… Bên cạnh đó, DN nên phối hợp với cơ quan chức năng để phát hiện hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng nhằm bảo hộ hàng trong nước và bảo vệ quyền lợi NTD; liên kết giữa DN, nhà phân phối với NTD; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các chợ truyền thống, xa trung tâm TP.