Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp vàng trang sức lúng túng với Nghị định 24

Tuấn Anh (tổng hợp)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hàng trăm doanh nghiệp vàng, trang sức tham dự Hội thảo “Giải đáp vướng mắc trong thực hiện Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng” do Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TP Hồ Chí Minh (SJA) tổ chức mới đây đã kêu trời vì quá lúng túng trong việc thực hiện Nghị định 24.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch SJA cho biết, Nghị định 24/2012/NĐ-CP đã chính thức có hiệu lực từ tháng 5-2012, cùng nhiều Thông tư hướng dẫn, đặc biệt là Thông tư 22/2013/TT-BKHCN, Thông tư 16/2012/TT-NHNN. SJA đã tổ chức nhiều hội thảo hướng dẫn thực hiện các văn bản trên. Tuy nhiên đến nay vẫn còn nhiều doanh nghiệp lúng túng trong quá trình áp dụng.

Mới đây, khi đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra đồng loạt, đã có không ít doanh nghiệp bị xử phạt vì có nhiều sai phạm. Trong đó, các sai phạm chủ yếu tập trung về tiêu chuẩn đo lường, chất lượng và tem nhãn vàng. Theo ông Dưng, điều này tạo nên tâm lý lo lắng, bức xúc của các DN.

 DN mong muốn các cơ quan chức năng sớm điều chỉnh Nghị định 24 cho phù hợp thực tiễn hoạt động kinh doanh vàng trang sức hiện nay.

Tại hội thảo, nhiều DN, cơ sở kinh doanh vàng bày tỏ bức xúc về việc tiệm vàng lấy hàng từ “chành” (nơi bỏ mối sỉ mặt hàng vàng nữ trang), có tiêu chuẩn cơ sở và hợp đồng rõ ràng, nhưng khi cơ quan chức năng kiểm tra phát hiện chất lượng vàng không đúng tiêu chuẩn công bố, tiệm vàng sẽ bị xử phạt. Theo các doanh nghiệp, quy định này mới chỉ kiểm soát được phần ngọn bởi tiệm vàng chỉ là nơi kinh doanh, trong khi chất lượng lại do các “chành”, các cơ sở sản xuất quyết định.

Ngoài ra, theo quy định tại Nghị định 89/2006/NĐ-CP, lưu thông hàng hóa là hoạt động trưng bày, vận chuyển, lưu giữ hàng hóa trong quá trình mua bán hàng hóa. “Theo quy định trên tất cả hàng hóa dù đang trưng bày hay lưu giữ cũng đều là đối tượng kiểm tra. Theo các doanh nghiệp, điều này sẽ khiến các doanh nghiệp bị xử phạt oan vì có nhiều trường hợp tiệm vàng cất riêng những sản phẩm không đủ chất lượng để chờ nấu lại, không đưa vào lưu thông nhưng vẫn bị xử phạt”, ông Phạm Văn Đồng, Chánh Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh cho biết.

Đặc biệt, vấn đề được rất đông DN quan tâm chính là việc xử lý số nữ trang tồn kho từ trước khi Thông tư 22 có hiệu lực. Cụ thể, chủ một tiệm vàng (chợ Bến Thành) cho biết, tại tiệm hiện còn một lượng lớn vàng nữ trang tồn kho từ hàng chục năm trước. Số vàng này đều có chất lượng không đúng như công bố.

Các DN cho rằng, nên quy định cho phép Dn đóng lại đúng với tuổi vàng và bán ra với giá hợp lý. Tuy nhiên, ông Phạm Văn Đồng khẳng định, trong trường hợp DN đã có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, DN có thể tiến hành gia công, chế tác lại sản phẩm vàng trang sức này. Sau đó đóng lại mã ký hiệu và ghi nhãn hàng hóa. Nếu chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, doanh nghiệp tuyệt đối không được tự ý thêm, thay đổi mã ký hiệu hoặc hàm lượng vàng đã thông tin trên sản phẩm.

Vậy là, tất cả các sản phẩm vàng tồn kho đều sẽ phải chế tác lại trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường. Theo các DN, điều này sẽ làm phát sinh một chi phí rất lớn cho việc chế tác, chưa kể tới phần nguyên liệu bị hao hụt trong quá trình gia công sản phẩm.

Các DN cũng nêu vướng mắc về việc tem nhãn sản phẩm phải thể hiện quá nhiều nội dung như tên hàng hóa (ví dụ: lắc tay, dây chuyền, nhẫn vàng…), nhà sản xuất, hàm lượng vàng, khối lượng vàng, ký hiệu của sản phẩm… Theo đó, với diện tích chỉ 2cm x 1cm của tem nhãn vàng trang sức, rất khó để DN có thể ghi được tất cả các thông tin như trên lên đó.

Chủ tiệm vàng Kim Hồng Ân cũng lo ngại rằng các tiệm vàng sẽ “hết đất sống” với quy định ghi thông tin về nhà sản xuất, cơ sở gia công lên tem nhãn. Bởi lẽ khi đó khách hàng tìm tới mua hàng trực tiếp tại cơ sở gia công để nhận được mức giá thấp hơn.

Các DN bày tỏ mong muốn các cơ quan chức năng sớm điều chỉnh Nghị định 24 cho phù hợp với thực tiễn hoạt động kinh doanh vàng trang sức hiện nay.