Quy mô doanh nghiệp không ngừng tăng trưởng
Chia sẻ về sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp Việt Nam tại buổi Hội thảo “Ý trí kinh doanh trong nền kinh tế năng động” vừa diễn ra tại Hà Nội, bà Trần Thị Hồng Minh - Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang khởi sắc và tăng trưởng mạnh mẽ, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế vĩ mô.
Bằng chứng, trong giai đoạn này (2000 – 2010) số lượng doanh nghiệp thành lập đã đạt gần 450 nghìn doanh nghiệp, cao gấp 10 lần giai đoạn trước từ 1991 – 1999. Cùng với sự gia tăng về số lượng, quy mô vốn đăng ký của doanh nghiệp cũng tăng trưởng nhanh chóng.
Doanh nghiệp Việt đang có những bước chuyển mình ấn tượng. Ảnh minh hoạ
|
Theo đó, vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp tăng từ gần 1 tỷ đồng/doanh nghiệp vào năm 2000, lên trên 3 tỷ đồng/doanh nghiệp vào năm 2006 và đạt gần 6 tỷ đồng năm 2010. Tính chung cả giai đoạn 2000 – 2010, quy mô vốn trung bình một doanh nghiệp đã tăng gấp 6 lần.
Tuy nhiên, bà Hồng Minh cũng cho biết, trong những năm gần đây, trước tác động khó khăn của tình hình quốc tế và những hạn chế nội tại, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập đã giảm trong các năm 2011 – 2012 và số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động tăng cao, cho thấy thị trường đã trở nên khắc nghiệt hơn.
Thông tin từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho thấy, trong năm 2013, số lượng doanh nghiệp đăng ký mới tăng 10% so với năm 2012, nhưng số vốn đăng ký của doanh nghiệp giảm 15% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy, người thành lập doanh nghiệp đang ngày càng thận trọng hơn với mỗi đồng vốn đưa vào thị trường. Các mô hình kinh doanh nhỏ lẻ, yêu cầu ít vốn đầu tư, luồng tiền luân chuyển linh hoạt là lựa chọn tối ưu cho các doanh nghiệp tại thời điểm hiện nay.
Trước những khó khăn này, bước sang năm 2014, xu hướng “thanh lọc” tiếp tục diễn ra mạnh mẽ đã sàng lọc lại những doanh nghiệp thực sự có chất lượng, không chỉ linh hoạt để tồn tại qua giai đoạn khó khăn nhất, mà còn tìm kiếm thêm cơ hội kinh doanh mới để mở rộng quy mô hoạt động.
Cụ thể, trong 10 tháng đầu năm, có 19 nghìn lượt doanh nghiệp tăng vốn với tổng số vốn tăng thêm là trên 470 nghìn tỷ đồng. Như vậy, tổng số vốn bổ sung thêm vào nền kinh tế trong 10 tháng đã đạt trên 860 nghìn tỷ đồng. Quy mô vốn bình quân trên một doanh nghiệp đạt 5,87 tỷ đồng, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2013.
Như vậy, mặc dù chịu tác động lớn và trực tiếp từ các bất ổn của nền kinh tế vĩ mô, khối kinh tế tư nhân cũng đã phản ứng rất linh hoạt và đang từng bước “phục hồi”.
Nhận định về sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian vừa qua, bà Hồng Minh cho biết, doanh nghiệp Việt đang có những bước chuyển mình ấn tượng để ngày càng lớn mạnh hơn. Bản lĩnh và ý chí của doanh nhân Việt Nam đang ngày càng được khẳng định, trong các điều kiện khác nhau của nền kinh tế.
Cần tiếp tục nâng cao môi trường kinh doanh
Cũng liên quan đến hoạt động của các doanh nghiệp, trong thời gian qua, nhiều chuyên gia cho rằng, môi trường kinh doanh tại Việt Nam đã có những cải thiện đáng kể, được cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế ghi nhận.
Tuy nhiên, theo xếp hạng báo cáo thường niên Môi trường kinh doanh của Ngân hàng thế giới vừa qua, chỉ số môi trường kinh doanh tại Việt Nam năm 2015 là 78/189, tụt 6 bậc so với năm 2014.
Chia sẻ về kết quả này, bà Trần Thị Hồng Minh cho biết, qua tìm hiểu về phương pháp đánh giá mới của Ngân hàng thế giới, thì dữ liệu quốc gia được tổng hợp từ năm 2013 và đầu 2014 để thực hiện đánh giá, xếp hàng cho năm 2015. Như vậy, chỉ số xếp hạng 2015 đã không phản ánh đúng những nỗ lực chính sách trong năm qua. Và với độ trễ 2 năm, những cải cách mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong năm 2014 sẽ chỉ được ghi nhận tại xếp hạng năm 2015. “Tuy vậy, kết quả trên cũng cho thấy chúng ta còn phải tiếp tục và liên tục nâng cao chất lượng, hiệu quả của chính sách lên môi trường kinh doanh, đồng thời đẩy mạnh truyền thông tới cộng đồng quốc tế về những kết quả đạt được tại Việt Nam”, bà Hồng Minh chia sẻ.
Cũng theo bà Hồng Minh, một thực tế mà nhiều người có thể nhận thấy trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã không ngừng nỗ lực nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam.
Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho biết, những nỗ lực của Chính phủ cũng được thể hiện rõ nét trong thời gian qua với việc đẩy mạnh rà soát ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nhằm bãi bỏ các điều kiện đầu tư, kinh doanh không còn phù hợp; phê duyệt thành lập Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; kết hợp các giải pháp nhằm giảm thời gian thông quan hàng hoá xuất nhập khẩu xuống 50%, phấn đấu đến năm 2015 thời gian làm thủ tục hải quan sẽ bằng với mức bình quân 6 nước ASEAN; tiếp tục cắt giảm thời gian kê khai thuế cho doanh nghiệp từ 537 giờ/năm xuống còn 247 giờ/năm đến cuốn năm 2014 và dự kiến đến năm 2015 còn 171 giờ/năm.
Đặc biệt hơn cả chính là sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ trong việc xây dựng Luật Doanh nghiệp và Luật đầu tư (sửa đổi), hiện đã trình Quốc hội thảo luật, thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội XIII.