Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được chính thức thành lập vào ngày 31/12/2015. Theo như cam kết cắt giảm thuế sau khi gia nhập AEC, đến nay Việt Nam đã giảm thuế nhập khẩu cho hơn 10.000 dòng thuế xuống mức 0-5% theo ATIGA (Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN), chiếm khoảng 98% số dòng thuế trong biểu thuế. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội lớn khi xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh, mở rộng thị trường tại các quốc gia trong khu vực. Cùng với đó, hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang các nước ASEAN còn có cơ hội mở rộng thị trường khác vì các quốc gia trong AEC còn có các hiệp định thương mại tự do với các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc.
Với những lợi thế rất lớn như trên, tuy nhiên, sau gần 3 năm AEC ra đời, nhưng hàng hóa từ Việt Nam vẫn chưa xuất khẩu và thâm nhập sâu với số lượng lớn vào thị trường này.
Nguyên nhân gì hàng hóa Việt Nam chưa xâm nhập được ASEAN
Qua thực tế trong thời gian qua nhiều chuyên gia cho rằng, hàng hóa Việt Nam thâm nhập thị trường ASEAN gặp rất nhiều khó khăn do cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan.
Chuyên gia kinh tế TS. Phan Văn Thường cho rằng: Do cơ cấu hàng hóa giữa các nước trong khu vực gần như tương đồng với nhau, nhất là các sản phẩm nông nghiệp. Cho nên, hàng hóa của nước ta khó cạnh tranh với hàng hóa cùng loại với các quốc gia trong khu vực.
Ông Thường ví dụ thêm, các sản phẩm nông nghiệp đến từ Thái Lan có chất lượng và độ an toàn được thị trường đánh giá hơn hẳn so với sản phẩm cùng loại của Việt Nam. Mặc dù, giá cả các loại nông sản này không hề rẻ hơn so với hàng hóa cùng chủng loại của Việt Nam, thậm chí đắt hơn nhiều.
Xuất phát từ những khó khăn như vậy, đã tác động đến tâm lý “chùn chân” đến cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam khi tính đến việc đưa hàng hóa của mình xâm nhập ASEAN.
Cùng với đó, doanh nghiệp Việt Nam chưa nhận được sự tiếp sức hỗ trợ đầy đủ từ chính phủ cũng như các cơ quan ban ngành liên quan. Cũng là nguyên nhân làm cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục “thờ ơ” với thị trường này.
Mặc khác, hàng Việt Nam muốn cạnh tranh được với hàng hóa của các nước trong khối AEC, chúng ta không thể cạnh tranh bằng hàng hóa giả rẻ. Bởi vì, người tiêu dùng trong khu vực không có thói quen tiêu dùng giá rẻ như thị trường Trung Quốc. Nhưng hiện tại, hàng hóa Việt Nam có chất lượng chưa cao, mẫu mã chưa đa dạng, đặc biệt chưa xây dựng được thương hiệu lớn. Về chiến lược xâm nhập thị trường, marketing căn bản đối với cộng đồng doanh nghiệp chưa được quan tâm. Đặc biệt vấn đề xúc tiến thương mại để lựa chọn tổ chức hàng hóa gì thâm nhập thị trường.
"Điều nhức nhối, đau đầu đối với các doanh nghiệp hiện nay đó là phí thương mại của nước ta còn cao, thủ tục hành chính, thủ tục Hải Quan chậm trể góp phần làm tăng chi phí hàng hóa. " - Ông Thường nhấn mạnh.
Ông Phạm Thiết Hòa - Giám đốc Trung tâm xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) cho biết: Việc các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa khai thác hết tiềm năng của thị trường ASEAN đó là: Hình thức sản phẩm chưa đa dạng, giá sản phẩm chưa cạnh tranh; hệ thống phân phối hàng hóa còn kém; chưa kết nối chặt chẽ với các cơ quan chức năng phụ trách xúc tiến thương mại, và tham tán thương mại tại các đại sứ quán… Cùng với đó, doanh nghiệp chưa trang bị đủ điều kiện để xuất khẩu vào các nước có phong tục tập quán và tôn giáo đa dạng của các nước Đông Nam Á; cũng như chưa nắm rõ các rào cản kỹ thuật, pháp lý của các nước trong khu vực.
Một doanh nghiệp sản xuất thủy sản tại Sóc Trăng cho biết, chính doanh nghiệp vẫn chưa hiểu rõ thị trường ASEAN như thế nào, chất lượng hàng hóa theo tiêu chuẩn nào, mẫu mã bao bì ra làm sao? Cũng theo đại diện của doanh nghiệp này, thị trường ASEAN tuy có địa lý gần Việt Nam, nhưng việc đưa hàng hóa vào thị trường này rất khó khăn. Cộng đồng Kinh tế AEC ra đời trong sự thống nhất nhưng lại rất đa dang, vì mỗi quốc gia trong khu vực lại có một một đặc điểm riêng về văn hóa, ngôn ngữ và tôn giáo.
Giải pháp cho doanh nghiệp xâm nhập thị trường AEC
Để tận dụng các lợi thế và vượt qua các thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam, các chuyên gia, nhà quản lý và những doanh nghiệp đã đưa ra những khuyến nghị đó là.
Theo TS Phan Văn Thường, muốn đưa hàng hóa đi xâm nhập ra nước ngoài phải xây dựng thương hiệu, với những sản phẩm nòng cốt có chất lượng tốt và độ an toàn tin cậy, mẩu mã đa dạng phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng của từng quốc gia. Các sản phẩm đó ít nhất có chất lượng phải tương đương với sản phẩm của các trong khu vực.
Cùng với đó, Chính phủ cần phải xây dựng chương trình hành động cụ thể cho doanh nghiệp để quảng bá, đưa sản phẩm Việt Nam ra nước ngoài. Bởi vì, lâu nay chúng ta mới chỉ quan tâm đến đàm phán để ký kết các hiệp định. Nhưng chưa thật sự quan tâm đến hành động cụ thể.
Sau khi kí kết các Hiệp định tự do thương mại, Chính phủ và các cơ quan ban ngành cần phải xây dựng được các hàng rào kỹ thuật để bảo vệ thị trường trong nước, hạn chế sự bành trướng mở rộng thị trường từ các nước nhất là Thái Lan. Dành lại thị phần cho các doanh nghiệp Việt Nam ngay trên thị trường trong nước. TS Phan Văn Thường ý kiến thêm.
Giám đốc Trung tâm xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) cho rằng: Phần lớn doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ, nếu tự đi một mình rất khó thành công. Vì vậy, các doanh nghiệp nên hợp tác với đơn vị hỗ trợ xúc tiến thương mại do địa phương tổ chức. Ví dụ như Trung tâm xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minhh trong thời gian qua đã giúp kết nối cho nhiều doanh nghiệp vào kênh bán hàng nước ngoài.
Ở góc độ doanh nghiệp bán lẻ, phân phối, bà Bà Punthila Puripreecha, Giám đốc vận hành – Operations Director của Công ty TNHH MM Mega Market (Thái Lan) chia sẻ kinh nghiêm khi thâm nhập thị trường khu vực: Đầu tiên chúng tôi sẽ tổ chức các chuyến đi thực tế cho đội ngũ lãnh đạo của công ty, để tìm hiểu về vùng nguyên liệu, quy trình nuôi trồng, sản xuất, quá trình kiểm soát chất lượng…, giúp họ có đầy đủ thông tin về nguồn sản phẩm tại các quốc gia mình muốn nhập hàng. Sau đó chúng tôi sẽ hỗ trợ đối tác về quy trình, kỹ thuật để đưa hàng vào hệ thống siêu thị.
Ông Lê Đức Nghĩa - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Gỗ An Cường cho rằng: Khi muốn đưa sản phẩm của mình ra thị trường thế giới nói chung và thị trường ASEAN nói riêng, đầu tiên mình phải làm tốt sản phẩm cho thị trường trong nước. Sau đó, khi muốn mở rộng thị trường sang các nước trong khu vực thì theo tôi nên phân phối sản phẩm theo kênh đại lý để giảm thiểu chi phí.
Tuy nhiên, thị trường ASEAN là một thị trường lớn, đầy tiềm năng. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải quan tâm mở rộng thâm nhập và thông qua cầu nối ở đây để mở rộng thị trường khác có mối quan hệ với các nước ASEAN.