KTĐT - Trao đổi với PV, Thị trưởng Khu tài chính London Michael Bear cho rằng cơ hội để các doanh nghiệp VN tham gia thị trường vốn quốc tế là rộng mở.
- Trong buổi làm việc với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chiều 22/3, có nhiều doanh nghiệp Anh đã bày tỏ mong muốn được mở rộng hoạt động trên thị trường tài chính. Ông có thể cho biết vì sao các doanh nghiệp Anh lại đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực này tại Việt Nam?
- Trên thực tế thì tài chính chỉ là một trong rất nhiều lĩnh vực mà các doanh nghiệp Anh quan tâm trong chuyến đi lần này. Ngoài ra, chúng tôi còn rất muốn phối hợp với phía Việt Nam trong việc phát triển cơ sở hạ tầng, khai thác khoáng sản, giáo dục…
Tuy nhiên, ở một thị trường hơn 86 triệu dân nhưng chỉ có 1% có bảo hiểm (không tính tới bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế) và khoảng 20% có tài khoản ngân hàng thì cơ hội phát triển thực sự là rất lớn. Bên cạnh đó, thị trường Việt Nam cũng ngày một mở cửa, quá trình cổ phần hóa khu vực công đang diễn ra mạnh mẽ cũng là một cơ hội không thể bỏ qua.
Trong khi đó, các doanh nghiệp tài chính của Anh vốn rất có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Một số ngân hàng như HSBC hay Standard Chartered cũng đã có mặt tại Việt Nam từ hàng chục năm nay. Do vậy, chúng tôi rất muốn mở rộng hoạt động cũng như sự hiện diện của các doanh nghiệp khác tại Việt Nam trong thời gian tới.
- Theo ông thì thách thức lớn nhất đối với các công ty Anh nói riêng và doanh nghiệp nước ngoài khi thâm nhập thị trường Việt Nam là gì?
- Là sự kiên nhẫn. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức chung khi muốn gia nhập bất kỳ một thị trường mới nào. Tôi từng là một kỹ sư và đã làm việc tại rất nhiều nơi trên thế giới và hiểu rằng luật pháp cũng như tập quán kinh doanh ở mỗi quốc gia là khác nhau. Do vậy, doanh nghiệp cần phải kiên nhẫn trong việc tạo dựng mối quan hệ, lòng tin ở cả khách hàng lẫn các cơ quan chức năng.
Hơn nữa, Việt Nam hiện là một thị trường mới nổi. Một thị trường như vậy thì luôn có thách thức. Tuy nhiên, đi kèm với đó luôn là rất nhiều cơ hội.
- Ở chiều ngược lại, hiện cũng có rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam muốn tìm kiếm cơ hội tại Anh, cụ thể là niêm yết tại Thị trường chứng khoán London (LSE). Ông đánh giá như thế nào về tính khả thi của việc niêm yết này?
- Hiện Sở giao dịch chứng khoán London có khoảng 560 doanh nghiệp niêm yết và chúng tôi luôn sẵn sàng chào đón bất cứ doanh nghiệp nào của Việt Nam cũng như các quốc gia khác tham gia thị trường vốn của mình. Tuy nhiên có 2 vấn đề chính cần quan tâm là bản thân chất lượng của doanh nghiệp có đáp ứng được yêu cầu niêm yết cũng như khung pháp lý của các bạn có cho phép hay không.
Trong chuyến đi lần này, chúng tôi sẽ có một buổi hội thảo cùng với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam. Tại buổi hội thảo này, đại diện LSE sẽ trao đổi với các nhà quản lý Việt Nam và công đồng doanh nghiệp về những thông tin cần thiết, phục vụ cho việc niêm yết.
- Vậy theo ông, doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì để có thể gia nhập một sân chơi mang tầm quốc tế như thị trường chứng khoán London?
- Bên cạnh yếu tố pháp lý thì, việc niêm yết sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào bản thân doanh nghiệp và chiến lược của họ. Một khi niêm yết tại thị trường nhiều cạnh tranh như LSE, doanh nghiệp sẽ phải học cách chấp nhận cuộc chơi và có những đối thủ lớn hơn. Do để nhà đầu tư quan tâm thì bản thân doanh nghiệp phải tự chứng tỏ rằng cổ phiếu của họ hấp dẫn.
Theo tôi, có 3 yếu tố để tạo nên điều này, bao gồm tính ổn định, minh bạch và có thể dự đoán được. Trong đó, quan trọng nhất là khả năng dự đoán được vì nó không chỉ liên quan đến việc doanh nghiệp sẽ hoạt động ra sao, thu được lợi nhuận như thế nào mà còn liên quan đến cả những chính sách của cơ quan quản lý.
- Trong những ngày gần đây, một vấn đề khác cũng được dư luận quan tâm là việc Chính phủ Anh quyết định sẽ dừng các chương trình viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam kể từ năm 2016. Ông có bình luận gì về sự kiện này?
- Trước hết cần thấy rằng lý do chính để Chính phủ Anh quyết định dừng ODA cho Việt Nam là do các bạn đã bước vào ngưỡng thu nhập trung bình. Do đó, nên nhìn nhận đây là một sự kiện đáng chúc mừng bởi những bước tiến mà Việt Nam đạt được trong thời gian qua, trong đó, có đóng góp không nhỏ của vốn ODA.
Tuy ngừng các chương trình ODA từ năm 2016 nhưng chúng tôi biết rằng Việt Nam vẫn có thể tiếp cận nguồn vốn giá rẻ từ các tổ chức như WB hay ADB, nơi mà nước Anh luôn là một trong những quốc giá có đóng góp quan trọng vào nguồn vốn. Thêm vào đó, một trong những mục đích chính trong chuyến đi lần này của chúng tôi là giúp các bạn thúc đẩy mô hình hợp tác công tư (PPP), lĩnh vực mà chúng tôi đã có rất nhiều kinh nghiệm.
Hiện tại Anh đang có gần 1.000 dự án loại này (trong đó có nhiều dự án liên quan đến điện, nước…) với nguồn vốn hàng trăm tỷ bảng từ khu vực tư nhân. Chúng tôi thấy rằng chỉ có thúc đẩy mô hình này thì các dự án mới mang lại hiệu quả cao, giảm áp lực đầu tư cho Chính phủ. Và đây cũng chính là mô hình mà Việt Nam nên phát triển trong bối cảnh các nguồn hỗ trợ từ bên ngoài trở nên hạn hẹp hơn.