Bình ổn thị trường
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, khẩu trang, nước sát khuẩn... là những sản phẩm thiết yếu phòng tránh lây nhiễm dịch bệnh và được người dân mua nhiều nhất. Sau khi có thông tin nhiều cơ sở nâng giá bán khẩu trang, nhất là khẩu trang y tế lên 4 - 5 lần mà người dân vẫn không mua được, không ít các cơ quan, đơn vị, DN đã vào cuộc tìm cách bình ổn thị trường.
Để chung tay cùng cộng đồng, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) và các DN thành viên đã cung cấp 750.000 khẩu trang vải kháng khuẩn ra thị trường. Mỗi ngày, Vinatex sản xuất 10 tấn vải không dệt kháng khuẩn để cung ứng cho các đơn vị sản xuất khẩu trang sử dụng một lần (tương ứng khoảng 3 triệu chiếc khẩu trang/ngày). Theo Tổng Giám đốc Vinatex Lê Tiến Trường, khẩu trang do các DN thuộc Vinatex sản xuất được ưu tiên cung ứng cho các đơn hàng đến từ các tổ chức lớn các tỉnh, thành trong cả nước và họ có trách nhiệm phân phối đúng đối tượng có nguy cơ cao, ưu tiên sử dụng khẩu trang trước như y tế, hàng không, ngân hàng, trường học… Chỉ 10% số lượng hàng sản xuất được đưa ra thị trường bán lẻ.
Các DN sản xuất khẩu trang y tế hoàn toàn yên tâm về chất lượng, giá thành khi sử dụng sợi DTY của VNPOLY để sản xuất các bộ phận cấu thành nên khẩu trang y tế an toàn, đạt tiêu chuẩn. Để phục vụ khách hàng là DN sản xuất khẩu trang y tế tốt nhất trong giai đoạn này, lãnh đạo VNPOLY cùng chuyên viên chăm sóc khách hàng và cán bộ kỹ thuật đã trực tiếp đến nhà máy của khách hàng để tư vấn, hỗ trợ một cách hiệu quả nhất. Tổng Giám đốc VNPOLY Đào Văn Ngọc |
Tại 5 điểm bán lẻ của Vinatex trên thị trường Hà Nội, mỗi ngày cung ứng từ 3.000 - 6.000 khẩu trang, chỉ bán cho mỗi khách 5 chiếc, để đảm bảo trung bình mỗi ngày có 600 – 1.200 khách có thể mua được hàng. Kể từ khi ra mắt sản phẩm mới, số lượng khẩu trang sử dụng vải dệt kim kháng khuẩn của Công ty TNHH MTV Dệt Kim Đông Xuân đưa ra thị trường là hơn 250.000 sản phẩm và đã có hơn 6.000 người mua. Tổng Giám đốc Dệt Kim Đông Xuân Trần Việt cho biết, số lượng đơn hàng khẩu trang Dệt Kim Đông Xuân nhận được đã lên đến hàng chục triệu chiếc. Sau điều chỉnh, DN tăng dần công suất, đồng thời sẽ sử dụng các nhà máy vệ tinh để sản xuất khẩu trang, dự kiến năng suất sẽ đạt 250.000 – 300.000 chiếc/ngày.
Trong những ngày phát khẩu trang miễn phí, dù thời tiết Hà Nội rất bất lợi, các đoàn viên Đoàn Thanh niên Tổng Công ty May 10 vẫn túc trực trước trụ sở (765A Nguyễn Văn Linh, Sài Đồng, Long Biên, Hà Nội), từ 15 – 17 giờ hàng ngày (ngày 4 – 13/2) phục vụ người dân. Đã có 50.000 khẩu trang do may bằng vải và được giặt, hấp diệt khuẩn an toàn, sạch sẽ được phát trong dịp này. “Để khẩu trang đạt chỉ tiêu kháng khuẩn tốt, May 10 liên hệ với Dệt Kim Đông Xuân mua vải dệt kim kháng khuẩn làm nguyên liệu sản xuất khẩu trang tặng người dân” - Tổng Giám đốc May 10 Thân Đức Việt nói.
Không chỉ có các đơn vị dệt may tiên phong sản xuất khẩu trang kháng khuẩn phòng chống dịch bệnh Covid-19, rất nhiều DN, doanh nhân cũng tham gia vào các hoạt đồng đầy trách nhiệm xã hội. Trước tình trạng khan hiếm về nguyên phụ liệu, Công ty CP Hóa dầu và Xơ sợi Việt Nam VNPoly (PVN) đã kịp thời sản xuất, xuất bán ra thị trường 5 tấn nguyên liệu (sợi DTY) để sản xuất khẩu trang y tế. Dù đang có các đơn hàng cần xuất khẩu gấp cho các khách hàng Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ nhưng VNPOLY vẫn ưu tiên hàng đầu cho tất cả các đơn hàng trong nước dùng để sản xuất khẩu trang, phục vụ người dân phòng chống dịch. Trong tiếng ồn ào của máy chạy và khí thế hăng say làm việc của người lao động, Tổng Giám đốc VNPOLY Đào Văn Ngọc cho biết, DN đang cung cấp nguyên liệu cho một số khách hàng sản xuất khẩu trang y tế và luôn sẵn sàng đáp ứng ngay tất cả các đơn hàng trong nước dùng sợi DTY để phục vụ việc sản xuất khẩu trang cũng như áp dụng giá bán và chính sách chăm sóc khách hàng tốt nhất.
Đồng hành phòng chống dịch Covid-19, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội (Hanoisme) đã tổ chức trao tặng và hỗ trợ Ủy ban MTTQ tỉnh Vĩnh Phúc 100 triệu đồng tiền mặt cùng các đồ phòng hộ để chống dịch Covid-19 như: Gel rửa tay diệt khuẩn, khẩu trang, đồ bảo hộ... Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hanoisme Mạc Quốc Anh chia sẻ: "Chưa bao giờ mặt hàng khẩu trang, gel sát khuẩn lại khan hiếm như hiện nay. Tinh thần tương thân, tương ái, trách nhiệm với cộng đồng của các DN, doanh nhân vô cùng đáng quý, nhất là trong thời điểm này".
Doanh nghiệp giải cứu nông sản
Có thể nói, dịch Covid-19 đã tác động sâu sắc và toàn diện đến đời sống kinh tế - xã hội nước ta. Nhiều nhà máy bị ảnh hưởng, thậm chí đình trệ, thiếu nguyên liệu, lao động để sản xuất. Nông nghiệp là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19. Thời gian qua, do các vấn đề liên quan đến kiểm dịch nhằm phòng tránh dịch Covid lây nhiễm qua biên giới, hàng trăm container thanh long, dưa hấu hay các mặt hàng nông sản khác đã bị ùn ứ tại các cửa khẩu khiến cho cả tiểu thương lẫn nông dân khóc ròng. Nông sản rớt giá, nông dân thiệt hại nặng nề.
Trong bối cảnh này, cùng với cộng đồng xã hội, nhiều DN đã chung tay tham gia giải cứu nông sản cho nông dân.
Từ đầu tháng 2, những chiếc bánh mì thanh long của cửa hàng ABC Bakery (Công ty TNHH MTV Bánh kẹo Á Châu – ABC) trên đường Nguyễn Trãi, quận 5 (TP Hồ Chí Minh) được giới thiệu, thu hút đông đảo người tiêu dùng đến mua, không chỉ bởi vị lạ, mức giá phổ thông (6.000 đồng/chiếc) mà còn chung tay giúp “giải cứu” thanh long không bán được do ảnh hưởng dịch Covid-19. Ông Kao Siêu Lực - chủ thương hiệu bánh kẹo Á Châu – ABC, cũng là người sáng tạo ra bánh mì thanh long cho biết, ý tưởng làm bánh mì thanh long xuất phát từ một lần đi công tác miền Tây, thấy thanh long chín đầy ruộng nhưng không xuất được nên ông muốn giúp tiêu thụ nông sản cho người nông dân.
Một số DN du lịch như HanoiRedtours, Vietrantour… đã quyết định hoàn tiền 100% cho khách hàng đã đăng ký các tour Trung Quốc cho đến khi dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn. Đơn vị cũng hỗ trợ chuyển đổi sang ngày khởi hành khác hoặc các tour khác áp dụng theo chính sách khách hàng cũ. |
Sau bánh mỳ, từ ngày 18/2, những chiếc pizza có thành phần nguyên liệu từ thanh long ruột đỏ được bán với giá 55.000 đồng/chiếc tại cửa hàng lẫn giao tại nhà trên địa bàn TP Hà Nội cũng thu hút sự chú ý của dư luận. "Tôi thấy ở TP Hồ Chí Minh có người làm bánh mỳ thanh long và từ đó nảy ra ý tưởng làm pizza thanh long. Bởi thực ra nguyên liệu làm bánh mỳ hay đế bánh pizza đều từ bột. Thanh long khi trộn vào bột với một tỷ lệ chuẩn sẽ giúp cho bạt bánh Pizza có thêm vị thanh ngọt rất tự nhiên" - CEO chuỗi Pizza Home Hoàng Tùng cho biết.
Đáng mừng là hoạt động hỗ trợ nông dân còn nhận được sự hưởng ứng của các DN ngoại. Mới đây, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết, sẽ cùng các DN Hàn Quốc và kiều bào Hàn Quốc tại Việt Nam chung tay giải cứu hoa quả tươi do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Theo đó, Cơ quan xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam (KOTRA), Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam (KORCHAM) cùng với các DN Hàn Quốc sẽ mở chiến dịch “Mua thêm một mặt hàng hoa quả Việt Nam”. Các DN Hàn Quốc sở hữu các nhà máy tập trung nhiều lao động như Tập đoàn Điện tử Samsung, Posco… dự kiến sẽ thu mua các mặt hàng hoa quả Việt Nam với số lượng lớn để sử dụng trong các bữa ăn và tặng cho nhân viên, thực hiện các chiến dịch giúp đỡ nông dân Việt Nam.
Tại phiên họp Thường trực Chính phủ hôm 17/2, Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh, Chính phủ không chọn giải pháp dễ là đóng cửa mọi thứ mà thay vào đó, có giải pháp khó hơn, tức là làm sao vẫn duy trì điều kiện đi lại cho người dân, du khách, tiếp tục thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, thương mại nhưng vẫn bảo đảm an toàn cho người dân. Sự tham gia tích cực, quyết liệt của các bộ, ngành, đặc biệt là cộng đồng DN càng khẳng định trách nhiệm xã hội của DN không chỉ là khẩu hiệu mà được thể hiện bằng hành động thiết thực.