Khuyến khích dùng chung hạ tầng
Tại cuộc họp giữa đoàn công tác của Bộ TT&TT và UBND TP Hà Nội về việc triển khai Đề án số hóa truyền hình trên địa bàn TP Hà Nội diễn ra mới đây, đại diện RTB cho biết: “Trong quá trình làm việc với các Đài để phát kênh chương trình lên hệ thống của RTB chúng tôi nhận thấy có bất cập. Đó là chưa đến hạn ngắt sóng analog thì các Đài chưa tích cực phối hợp và còn cân nhắc phát sóng trên hệ thống truyền dẫn nào? RTB hay VTV, AVG...”. Phía RTB cũng xác định khi chưa đến hạn ngắt sóng analog thì chắc chắn chưa có doanh thu phát sóng của 14 Đài PTTH. “Tuy nhiên, nếu đến năm 2016 mà công ty vẫn không nhận được sự hợp tác từ các nhà đài trong việc lên sóng thì việc đầu tư trên diện rộng tại 14 tỉnh, thành phía Bắc sẽ gặp khó khăn do chi phí đầu tư hạ tầng tốn kém mà công ty lại không có nguồn thu để bù đắp” – đại diện RTB lo lắng.
Đề xuất tại cuộc họp, đại diện RTB mong muốn Bộ TT&TT phối hợp cùng Bộ Tài chính sớm đưa ra một định mức đơn giá dịch vụ truyền dẫn phát sóng, tạo điều kiện cho 2 DN truyền dẫn phát sóng khu vực mới thành lập là RTB ở phía Bắc và SDTV ở khu vực đồng bằng Nam Bộ có cơ sở ký kết hợp đồng phát sóng kênh cho các Đài PTTH địa phương.
Trong thời gian chưa ban hành đơn giá truyền dẫn phát sóng, để tạo điều kiện cho DN khi làm việc xây dựng phương án hợp tác với các đài, RTB cũng kiến nghị Bộ TT&TT có văn bản định hướng các đài chia sẻ hạ tầng và phát sóng kênh trên hệ thống của RTB để công ty vừa tận dụng được hạ tầng đã đầu tư của mỗi đơn vị, tránh đầu tư mới gây lãng phí đồng thời có nguồn thu bù đắp cho việc phát sóng quảng bá các kênh khi chưa có nguồn thu từ việc cung cấp gói kênh mã hóa.
Liên quan tới đề xuất ban hành đơn giá dịch vụ phát sóng, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải cho biết, sẽ chỉ đạo Viện Chiến lược TT&TT khẩn trương triển khai nghiên cứu, đề xuất định mức đơn giá để Bộ TT&TT và Bộ Tài chính cùng xem xét ban hành. Tuy nhiên, quy trình thủ tục để ban hành được văn bản chắc chắn không thể một sớm một chiều, do đó có thể xem xét ban hành đơn giá tạm thời trong lúc chờ đợi. Về phía RTB và SDTV, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải yêu cầu phối hợp giữa hai đơn vị để sớm trình lên Bộ đề xuất về định mức đơn giá.
Cân nhắc khi chuyển đổi
Bên cạnh các ý kiến của RTB, ông Nguyễn Thành Lương - Phó Tổng Giám đốc VTV đề nghị Bộ TT&TT cho phép VTV được giữ nguyên Trung tâm Truyền dẫn phát sóng của VTV hoạt động như hiện nay.
Ông Lương giải thích, hiện nay VTV đã rất nghiêm chỉnh thực hiện lộ trình số hóa của Chính phủ, từ khâu tiền kỳ, hậu kỳ đến truyền dẫn phát sóng đều đã được VTV triển khai số hóa trước thời hạn đề ra, hoàn toàn bằng nguồn vốn tự có của VTV, không xin ngân sách. Hiện tại các địa bàn cần phát sóng số đều đã có máy phát sóng số.
Đối với những hộ gia đình có khả năng trả phí sẽ có những kênh phải trả phí, còn với đối tượng thu nhập thấp, VTV vẫn đảm bảo cung cấp các chương trình thiết yếu để phục vụ. Nếu chuyển bộ phận truyền dẫn phát sóng sang hoạt động như DN thì khi đó DN sẽ hoạt động vì mục đích kinh doanh, vì lợi nhuận. Như vậy các chương trình thiết yếu sẽ bị tác động rất lớn bởi việc phải đảm bảo lợi nhuận cho DN.
Trước đó, Bộ TT&TT đã nhiều lần yêu cầu VTV phải làm thủ tục thành lập DN truyền dẫn phát sóng theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Việc thành lập DN truyền dẫn phát sóng nhằm bóc tách giữa kinh doanh truyền dẫn phát sóng hoạt động theo Luật Viễn thông, với phần nội dung truyền hình hoạt động theo Luật Báo chí.
Nhân viên lắp đặt dịch vụ truyền hình cáp cho khách hàng tại Hà Nội. Ảnh: Bảo Ninh
|