Doanh nhân góp sức chấn hưng đất nước

TS Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hanoisme
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ xưa đến nay, trong chấn hưng, phát triển đất nước, phải khẳng định vai trò của cộng đồng DN, doanh nhân là khá quan trọng.

DN, nhất là DN tư nhân, DN nhỏ và vừa (DNNVV) là động lực nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế, tạo việc làm cho người lao động, đóng góp vào ngân sách quốc gia.
Góp công dựng xây đất nước

Trước hết, DN, doanh nhân là một giai tầng quan trọng trong xã hội. Lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm và coi trọng doanh nhân. Sau ngày độc lập, ngày 18/9/1945, trong Tuần lễ vàng, các nhà công thương Hà Nội là giới chức xã hội đầu tiên được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tại Phủ Chủ tịch và theo lời kêu gọi của Người, giới công thương đã mang tiền của, công sức giúp đỡ Chính phủ trong lúc khó khăn về tài chính. Tư tưởng Hồ Chí Minh về DN, doanh nhân từ khi thành lập nước và nhìn xa hơn là chủ trương về việc áp dụng chính sách kinh tế mới, chính sách kinh tế nhiều thành phần đã khẳng định vai trò của doanh nhân từ gần 100 năm về trước.
Đến Đại hội Đảng lần thứ VI (1986) với chủ trương phát triển nền kinh tế nhiều thành phần và các Nghị quyết Đại hội Đảng sau đó với các chủ trương, chính sách đổi mới và nâng cao hiệu quả khu vực DN nhà nước, khu vực hợp tác xã và phát triển khu vực kinh tế tư nhân, chủ trương cho phép đảng viên được làm kinh tế tư nhân và việc quyết định lấy ngày 13/10 hàng năm làm ngày doanh nhân Việt Nam… là những bước tiến quan trọng trong tư duy phát triển đội ngũ DN và doanh nhân ở nước ta.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung trao Bằng khen của TP cho các Doanh nhân tại Đêm Doanh nghiệp 2017. Ảnh: Phạm Hùng
Rồi đến Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển các DN đến năm 2020 và Nghị quyết 19 về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng 2020 của Chính phủ. Chỉ thị 15 đi vào cuộc sống được đánh giá như một luồng gió mới hỗ trợ sự phát triển sản xuất, kinh doanh cho cộng đồng DN, trong đó có DN nhỏ và vừa (DNNVV) chiếm 97%...

Đóng góp tăng trưởng kinh tế

Dưới tác động của các chính sách, đội ngũ DN, doanh nhân Việt Nam đã có bước phát triển nhanh về số lượng và chuyển biến về chất lượng. Do đó, trong chấn hưng, phát triển đất nước, phải khẳng định vai trò của cộng đồng DN, doanh nhân là khá quan trọng. Mỗi năm ở nước ta có gần 80.000 DN ra đời, hiện nay, cả nước đã có trên 600.000 DN và 1 triệu hộ kinh doanh cá thể, 133.000 hợp tác xã và trang trại. Nếu chỉ tính mỗi DN có từ 2 - 3 doanh nhân và mỗi hộ kinh doanh cá thể và trang trại có một doanh nhân thì cả nước đã có trên 2 triệu doanh nhân.
Các doanh nhân đã đoàn kết, hợp tác chặt chẽ với giai cấp công nhân, nông dân, đội ngũ trí thức tham gia tích cực thúc đẩy sự nghiệp CNH - HĐH và hội nhập, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo… Riêng khu vực DN đã đóng góp trên 70% nguồn thu ngân sách nhà nước, thu hút được 7,4 triệu lao động, chiếm 81,7% lực lượng lao động phi nông nghiệp và 16,3% lao động toàn xã hội.

Hanoisme hiện có 20 CLB, Chi hội quận, huyện trực thuộc tại các quận Thanh Xuân, Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên, Thanh Trì, huyện Phúc Thọ, xã Kim Chung, xã La Phù - huyện Hoài Đức, CLB Nữ Doanh nhân, CLB Tennis, CLB Golf, CLB CEO+, CLB CEO Thăng Long, CLB C&D TP Hồ Chí Minh, CLB Doanh nghiệp khởi nghiệp, Võ đường Doanh nhân Việt Nam, CLB Doanh nhân Thương mại điện tử, Trung tâm Tư vấn pháp luật, Trung tâm Xúc tiến thương mại và hỗ trợ DN...

Đối với Hà Nội, tổng số DN trên địa bàn TP Hà Nội là 232.000DN, bình quân 38 người dân Thủ đô/DN, cao gấp 3,7 lần mức bình quân chung của cả nước. Số lượng DNNVV chiếm trên 97% số DN trên địa bàn đã không ngừng phát triển, đổi mới, đóng góp hơn 40% GDP cho TP, tạo công ăn việc làm cho hơn 50% lao động. Đội ngũ DNNVV TP đã và đang ngày càng khẳng định vai trò nòng cốt, tiên phong trong công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô. Nhiều doanh nhân đã thể hiện rõ phẩm chất, bản lĩnh của doanh nhân Việt Nam hiện đại luôn năng động, sáng tạo, chủ động hội nhập, khắc phục khó khăn đảm bảo kinh doanh ổn định, phát triển. Đồng thời, họ luôn có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội trong việc tích cực tham gia đồng hành cùng TP trong các chương trình an sinh xã hội.

Cầu nối để phát triển

Với vai trò là cầu nối giữa DN với các cơ quan quản lý Nhà nước, thời gian qua, Hanoisme đã có những đóng góp tích cực vào quá trình cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng, hỗ trợ thiết thực các DNNVV nâng cao năng lực để hội nhập. Các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, bảo vệ môi trường, bảo đảm phát triển bền vững được triển khai như là những xu hướng mới trong định hướng phát triển của cộng đồng DN.

Thấy rõ được tầm quan trọng của DN, doanh nhân đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, Hiệp hội DNNVV Hà Nội đã được TP giao nhiệm vụ thúc đẩy các hoạt động nhằm cải thiện môi trường kinh doanh bình đẳng cho DN; Xây dựng môi trường kinh doanh công bằng, thân thiện, thông thoáng, tạo thuận lợi hỗ trợ DN khởi nghiệp, DN đổi mới sáng tạo; Tạo sự đột phá về thu hút đầu tư, cả trong nước và đầu tư nước ngoài...
Đặc biệt, để thực hiện Nghị quyết 19NQ-CP và Nghị quyết 35/NQ-CP, Hanoisme thường xuyên thông tin tuyên truyền cho DN về hội nhập kinh tế quốc tế, tổ chức các tọa đàm, tập huấn, xúc tiến thương mại trong và ngoài nước nhằm hỗ trợ các DN phát triển sản xuất, kinh doanh. Là thành viên trong Ban Chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường kinh doanh của TP, Hanoisme đã phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức nhiều hội nghị giao ban tháo gỡ khó khăn cho DN về vốn, thị trường, thuế, hải quan... Kết hợp với báo Kinh tế & Đô thị tổ chức chương trình Cafe Doanh nhân, chương trình Diễn đàn DN Hà Nội…

Thêm cơ chế đặc thù hỗ trợ DN

Chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đã và đang tạo điều kiện để DN phát triển sản xuất, kinh doanh, đóng góp vào ngân sách là rất lớn. Tuy nhiên, trước yêu cầu mới của sự nghiệp đẩy mạnh CNH - HĐH và hội nhập quốc tế, đội ngũ doanh nhân nước ta cũng còn không ít hạn chế, bất cập, nhất là về kiến thức, sự am hiểu pháp luật và năng lực kinh doanh, kinh nghiệm quản lý, khả năng cạnh tranh và hội nhập, năng suất lao động và hiệu quả hoạt động của các DN chưa cao. Một bộ phận doanh nhân còn thiếu văn hóa kinh doanh và trách nhiệm xã hội, chưa tự giác tuân thủ pháp luật, còn tồn tại tình trạng nợ thuế, nợ bảo hiểm xã hội, chấp hành chưa nghiêm túc các quy định về sử dụng đất đai, bảo vệ môi trường… Nguyên nhân có thể do chế tài chưa đủ mạnh, xử lý chưa đủ sức răn đe. Đó là những nhược điểm cần phải thẳng thắn nhìn nhận và khắc phục.

Riêng đối với Hà Nội, trong nền kinh tế ngày càng phát triển và hội nhập sâu, TP đã có rất nhiều chính sách đặc thù hỗ trợ DN. Thời gian tới, rất mong Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành cụ thể hóa những nội dung và chương trình công tác lớn, chính sách và các giải pháp hỗ trợ DN, nhằm tạo điều kiện thuận lợi phù hợp với thực tế, đảm bảo sự công bằng - minh bạch đưa vào đúng chủ thể, để chính sách thực sự đi vào cuộc sống giúp cho DN thuận lợi, ổn định trong sản xuất kinh doanh để phát triển, đẩy mạnh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho DN. Tiếp tục tăng cường đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trên mọi lĩnh vực, đổi mới tác phong phục vụ DN, vì DN là nguồn đóng góp ngân sách cho TP. TP quan tâm tạo điều kiện nhiều hơn nữa cho các Hiệp hội được tham gia các chương trình kế hoạch của TP liên quan đến DN, từ đó nắm bắt chủ trương, chính sách để có thể hỗ trợ, tháo gỡ cho DN…

Đối với DN thì cần có những chiến lược kinh doanh hợp lý, bài bản và hoạt động tuân thủ theo pháp luật. Mỗi DN khi đã tạo ra của cải vật chất, tạo công việc cho người lao động, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, thực hiện các trách nhiệm xã hội chính là đã thể hiện vai trò chấn hưng đất nước.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần