Lễ khai mạc hội chợ ''Kết nối mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững ngành mây tre đan, chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ'' |
Việc tổ chức hội chợ giúp bảo tồn và hỗ trợ DN, cơ sở sản xuất thúc đẩy liên kết mạng lưới giữa nhà cung cấp - nguyên liệu - nhà sản xuất - nhà phân phối với người tiêu dùng; đồng thời tái sản xuất kinh doanh, đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu trọng điểm hậu Covid-19. Là địa phương đồng hành cùng Chương trình, huyện Chương Mỹ có 35 làng nghề được UBND TP công nhận là làng nghề truyền thống, trong đó chủ yếu là làng nghề mây tre đan, chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ.
Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Ngọc Lâm cho biết, hội chợ kết nối lần này còn góp phần kêu gọi, thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cùng chung tay, góp sức hình thành liên kết mạng lưới giữa nhà cung cấp nguyên liệu - nhà sản xuất - nhà phân phối - người tiêu dùng, nhằm nâng cao năng lực tham gia chuỗi cung ứng.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thanh Hải cho biết, Covid-19 khiến nhiều chuỗi cung ứng sản xuất kinh doanh ngành hàng thủ công mỹ nghệ bị gián đoạn, dự báo các mặt hàng này sẽ bị giảm doanh thu từ 70 - 80% so với cùng kỳ năm 2019.
Việc tổ chức hội chợ là hoạt động hỗ trợ DN ngành thủ công mỹ nghệ vực lại sản xuất, kích cầu tiêu dùng trong nước, góp phần đảm bảo an sinh xã hội khu vực nông thôn. Đồng thời hướng người tiêu dùng tới lựa chọn những sản phẩm có chất lượng, sản xuất từ các công nghệ thân thiện với môi trường.
Tại lễ khai mạc, Sở Công Thương Hà Nội đã trao giấy chứng nhận cho các DN tham gia Kết nối mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững TP Hà Nội 2020.