Số doanh thu "khủng" trên vừa được công bố tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ 2016 của Bộ TT&TT, diễn ra vào sáng nay (31/12). Bên cạnh doanh thu và lợi nhuận tăng mạnh so với 2014, tổng nộp ngân sách của các DN trong ngành cũng đạt được con số ấn tượng là 63.380 tỷ đồng.
Trong đó đáng chú ý là Viettel hiện đang là DN "đầu tàu" với doanh thu đạt 222.700 tỷ đồng, tăng 13% so với 2014; lợi nhuận đạt 45.800 tỷ đồng, tăng 8,5%, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đạt 40,8%. Với số tiền nộp ngân sách nhà nước lên đến 37.300 tỷ đồng, Viettel hiện là một trong những DN đóng thuế lớn nhất Việt Nam.
Đứng ngay sau đó là Tập đoàn VNPT với doanh thu đạt 89.122 tỷ đồng, tăng 7,5% so với 2014, trong đó lĩnh vực viễn thông - CNTT đạt 80,811 tỷ đồng, tăng 8,3%. Về lợi nhuận, các tiêu chí trên lần lượt là 3.280 tỷ đồng tăng 20% và 3.050 tỷ đồng tăng 21,7%. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đạt 5,2%
Trong khi đó, doanh thu của MobiFone đạt 36.900 tỷ đồng, tăng 8,29% so với 2014; lợi nhuận năm đạt 7.395 tỷ đồng, tăng 1,1%; tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đạt 49,35%.
Ngoài ra, Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện (VTC) cũng đạt kết quả kinh doanh ấn tượng với doanh thu 3.500 tỷ đồng, tăng 9% so với 2014; lợi nhuận đạt 123 tỷ đồng, tăng 60%; tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đạt 9,83%.
Cũng trong năm 2015, ngành TT&TT đã đạt được nhiều kết quả tích cực: Tỷ lệ thuê bao di động đạt 140 thuê bao/100 dân; Tỷ lệ thuê bao Internet băng rộng cố định đạt 8,2 thuê bao/100 dân; Tỷ lệ thuê bao băng rộng di động: 40 thuê bao/100 dân; Cả nước đã có 52% dân số sử dụng Internet, tỷ lệ phủ sóng di động đạt 94% ...
Nhiều cơ chế chính sách mới nhằm xác định mục tiêu, định hướng phát triển cho toàn ngành TT&TT đã được ban hành. Có thể kể đến như Luật An toàn thông tin mạng đã được Quốc hội biểu thông qua, Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) đã được trình lên Quốc hội, Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế ...
Trong năm 2015, các DN thuộc Bộ TT&TT đã triển khai mạnh mẽ công tác tái cơ cấu. Có thể kể đến như cơ bản hoàn thành đề án tái cơ cấu VNPT; thông qua điều lệ tổ chức hoạt động của MobiFone, tiến tới thực hiện cổ phần hóa Tổng công ty này; tổ chức, tái cơ cấu lại VNPost và VTC. Thông qua kết quả kinh doanh, có thể thấy các DN này đều hoạt động hiệu quả.
Lĩnh vực CNTT tiếp tục phát triển, Việt Nam hiện đang là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài, những tập đoàn lớn như Samsung, LG, Intel .. với các dự án lên tới hàng tỷ USD.
Về kế hoạch 2016, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý, thực thi công tác quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực viễn thông, CNTT cũng như triển khai thực hiện các nội dung liên quan tới bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Đẩy nhanh công tác xây dựng các chính sách, văn bản quản lý và phát triển thị trường viễn thông bền vững, quản lý dịch vụ trên mạng Internet di động; tăng cường các giải pháp CNTT trong quản lý thuê bao di động trả trước; triển khai quy hoạch và quản lý kho số viễn thông; thúc đẩy cạnh tranh bằng chất lượng, hiệu quả.
Hoàn thành triển khai giai đoạn 1 của Đề án số hoá truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020; tăng cường ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo và tăng cường quản lý thông tin trên mạng; đảm bảo mạng lưới viễn thông hoạt động ổn định; húc đẩy ứng dụng IPv6.
Việc triển khai đề án tái cơ cấu các DN nhà nước thuộc lĩnh vực TT&TT sẽ được tiếp tục tiến hành, trong đó trọng tâm là việc cổ phần hóa Tổng công ty Viễn thông MobiFone. Định hướng của Bộ TT&TT trong năm tới sẽ là tạo ra thị trường cạnh tranh lành mạnh cho DN, khuyến khích và hỗ trợ DN đầu tư ra nước ngoài.
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn: Các DN ngành TT&TT đã có năm 2015 rất ấn tượng về kết quả kinh doanh
|