Đền Mẫu Âu Cơ hội tụ huyền tích xưa
Nằm ở phía Tây của tỉnh Phú Thọ, huyện miền núi Hạ Hòa vốn là miền quê sơn thủy hữu tình, nơi xưa kia, trong huyền thoại, mẹ Âu Cơ cùng 50 người con đi khai thiên phá thạch, dạy dân trồng lúa nước, trồng dâu dệt vải. Đền Quốc Mẫu nằm ở giữa cánh đồng lúa phì nhiêu của xã Hiền Lương, ven quốc lộ 32C.
Ngôi đền tọa lạc dưới gốc đa cổ thụ quanh năm xanh tốt. Xưa kia, ngôi đền được nhân dân xã Hiền Lương xây bằng chất liệu mật mía, trải qua chiến tranh, ngôi đền vẫn không hề bị phá hủy. Ngày nay, đền được xây dựng và tu bổ khang trang hơn, là nơi để du khách thập phương viếng thăm. Đền Mẫu Âu Cơ mãi là nơi hội tụ những huyền tích về người Mẹ của muôn dân đất Việt, là điểm đến tâm linh trong hành trình về cội nguồn.
Hằng năm, cứ vào lễ hội, đất trời Hiền Lương (Hạ Hòa - Phú Thọ) lại dậy lên một không khí linh thiêng và bao điều huyền thoại về truyền thuyết Mẫu Âu Cơ dừng chân nơi đây sinh cơ lập ấp trong hành trình đưa 50 người con đi “khai thiên phá thạch”. Điều đặc biệt trong lễ hội đền Mẫu là các phong tục và hoạt động đều gắn liền với văn hóa trồng lúa nước của người dân bản địa nơi đây.
Đình cổ Hùng Lô
Có một nơi mà khi về với đất Tổ Hùng Vương, du khách không nên bỏ lỡ, ấy là làng cổ Hùng Lô - mảnh đất hơn 300 năm tuổi nằm bên bờ sông Lô. Là quần thể di tích có giá trị về văn hóa và lịch sử, những năm gần đây, nơi này đang trở thành điểm đến hấp dẫn trong hành trình du lịch tâm linh Phú Thọ.
Làng cổ Hùng Lô chỉ cách Đền Hùng chừng 10km. Trải qua bao biến thiên, thăng trầm lịch sử, nơi đây vẫn bảo tồn được gần như nguyên vẹn kiến trúc ngôi đình cổ, di tích lịch sử cấp quốc gia đã được công nhận từ năm 1990.
Quần thể di tích lịch sử văn hóa Đình Hùng Lô (Đình Xốm) được xây dựng trên dải đất rộng 5.000m2. Trung tâm của trang Khả Lãm cổ xưa, rồi mang tên xã An Lão nay là xã Hùng Lô. Ngôi đình được phát triển tâm linh từ ngôi miếu cổ khi kinh tế xã hội phát triển thành làng xã, mang tên “kẻ Xốm, xã An Lão”.
Đình được xây dựng vào thời hậu Lê, đời vua Lê Hy Tông. Khu đình được kiến trúc các hạng mục công trình gồm có tòa Đại Đình, Phương Đình, lầu chuông, lầu trống và nhà tiền tế tất cả bằng vật liệu gỗ quý như đinh, lim, sến, táu, thông mật và mít; mái lợp ngói mũi hài.
Tòa đại đình được cấu trúc theo nhà cổ truyền 3 gian hai trái. Bố trí nội thất thờ cúng cả 3 gian đều có ban thờ. Các đồ thờ cúng được làm bằng gốm, bằng đồng, bằng gỗ đều được trạm trổ nghệ thuật tinh xảo đường nét hoa văn sắc gọn, hài hòa. Đến nay còn lưu giữ được nhiều hiện vật quí. Có thể nói đình làng Hùng Lô là một nhà bảo tàng văn hóa nghệ thuật của toàn dân đóng góp còn lưu giữ nguyên vẹn đến ngày nay.
Khu văn chỉ (Văn miếu) thờ đức Khổng Tử “Đạo thành chi thánh tiên sư. Tại nơi đây vào các ngày lễ hội nhất là vào những ngày đầu xuân các thầy đồ thầy giáo thường dẫn học sinh đến dâng hương cầu mong sự học hành thành đạt. Nằm cạnh đình cổ Hùng Lô còn có Nhà yến lão; nhà thờ Phật; bệ thần nông là bệ thờ lộ thiên từ xưa còn lại.
Dân làng thường tổ chức tế lễ hàng năm vào các ngày 25/5 và 25/10 âm lịch gọi là lễ thượng điền và hạ điền, cầu cho mưa thuận gió hòa vụ vụ bội thu, dân no ấm. Cũng trong quần thể di tích đình cổ Hùng Lô con có hai ngôi miếu là miếu xóm Ngà và xóm Giẽ. Với hình thức kết hợp du lịch tâm linh - làng nghề dựa trên tài nguyên văn hóa, lịch sử dồi dào, làng cổ Hùng Lô hứa hẹn sẽ trở thành điểm đến ngày càng được nhiều du khách trong, ngoài nước biết đến.
Bơi thuyền chải
Cũng trong dịp lễ hội năm nay du khách không thể bỏ lỡ hội thi bơi chải mở rộng trên hồ công viên Văn Lang diễn ra vào ngày 13/4 với sự tham gia của nhiều huyện, thị, thành trên địa bàn tỉnh, đã trở thành một hoạt động hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách nằm trong chuỗi các hoạt động văn hóa - thể thao dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng hàng năm. Đây cũng là hoạt động ý nghĩa, nhằm xây dựng TP Việt Trì trở thành TP lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.
Trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông vào thế kỷ XIII, nhà Trần đã nhiều lần chọn ngã ba Bạch Hạc làm nơi huấn luyện quân sĩ. Vì thế bơi chải xuất hiện tại đây là một trong những hoạt động nhằm luyện thủy quân thêm dẻo dai, bền bỉ. Từ đó, bơi chải trở thành một tục lệ - một nét đẹp văn hóa truyền thống mang tính thượng võ của người dân quanh năm gắn bó với sông nước.
Trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ, bom đạn chiến tranh đã khiến cho hoạt động bơi chải tại Bạch Hạc ngừng trệ trong nhiều năm liền. Cho tới năm 1992, UBND TP Việt Trì đã quyết định khôi phục hội bơi chải. Trong hội thi, mỗi một giáp có 27 người, trong đó có 24 tay chèo, 1 người gõ nhịp, một người lái chính và một người tát nước.
Bên cạnh đó, khi chọn người tham gia vào đội chải, trưởng giáp không chỉ chọn người trẻ tuổi, vì bơi chải phải bền sức và biết phối hợp với đồng đội, vậy nên thường chọn những người đã có kinh nghiệm và dẻo dai.
Lễ hội Bơi chải đã khơi dậy tinh thần tôn kính tổ tiên, đạo lý uống nước nhớ nguồn, tạo nên ý thức về tình cảm, cộng đồng, sức mạnh về môn thể thao truyền thống của dân tộc, Lễ hội thực sự là dịp để nhân dân nêu cao tinh thần thượng võ dân tộc, tái hiện lịch sử hào hùng, oanh liệt của cha ông ta hàng nghìn năm giữ nước.
Hát Xoan làng cổ
Việc mở rộng tour “Hát Xoan làng cổ” không chỉ ở trong khuôn khổ Giỗ Tổ Hùng Vương, các ngày thứ bảy, chủ nhật hằng tuần; các nghệ nhân đào, kép tại các làng Xoan cổ ở khu vực TP Việt Trì có thể đáp ứng được tất cả nhu cầu của các hãng lữ hành ở các khung thời gian khác nhau.
Từ khi hát Xoan được công nhận là Di sản văn hóa đại diện của nhân loại, thì các không gian trình diễn hát Xoan của năm nay sẽ đầy đủ hơn, phong phú hơn. Tất cả các làng Xoan gốc đều có trình diễn hát Xoan: Tại không gian văn hóa của TP Việt Trì; khu di tích lịch sử đền Hùng và đặc biệt, tại các di tích thờ tự tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương gắn với hát Xoan. Trong dịp diễn ra sự kiện Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội đền Hùng, UBND tỉnh Phú Thọ đẩy mạnh các tour du lịch “Hát Xoan làng cổ” như một cách thức quảng bá di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.