Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Độc đáo “Chợ phiên người yêu cũ” giữa Hà Nội

Ngô Quang Hùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đến hẹn lại lên, cứ vào ngày chủ nhật đầu tiên của mỗi tháng, “Chợ phiên người yêu cũ” lại được mở ra với mục đích giúp các bạn trẻ vơi đi nỗi nhớ người từng thương thông qua các hoạt động buôn bán, trao đổi và sẻ chia những kỉ vật xưa cũ.

Được tổ chức đến nay là lần thứ 7, qua mỗi phiên chợ, những kỉ vật của người yêu cũ luôn thu hút đông đảo bạn trẻ Thủ đô tham gia buôn bán, trao đổi. Các bạn trẻ đến đây không chỉ mang theo những món đồ đong đầy kỉ niệm mà trên hết là những kinh nghiệm, những lời ca tiếng hát để cùng nhau vượt lên nỗi buồn về một người đã qua.
 Kéo dài từ sáng sớm đến chiều muộn, phiên chợ luôn tấp nập người mua, người bán.
 
Phiên chợ kì lạ thanh lí kỉ vật tình yêu

Phiên chợ lần này có sự tham gia của gần 20 gian hàng với vô vàn câu chuyện buồn vui, được tổ chức tại địa chỉ 58/52 Tô Ngọc Vân (Tây Hồ, Hà Nội). Chia sẻ với chúng tôi về nguồn gốc phiên chợ, anh Đinh Thắng – người sáng lập chợ cho biết: “Tình cờ trong một lần cafe với đám bạn, được nghe mọi người kể về những kỉ vật thời mặn nồng với người yêu cũ, nay muốn vứt bỏ. Mình liền nảy ra ý tưởng tổ chức một phiên chợ về người từng thương, để mọi người cùng đến, trao đổi và chia sẻ những câu chuyện của bản thân”. Ban đầu chỉ là những buổi họp phiên nhỏ, nhưng càng ngày lại được đông đảo bạn trẻ Thủ đô đón nhận, tham gia.
  Anh Đinh Thắng (người sáng lập ra chợ phiên ''Người yêu cũ'') đang trò chuyện với chủ một gian hàng.
Các bạn trẻ tham gia phiên chợ đều quan niệm: “Những kỉ vật xưa cũ, mình không dùng, lại không nỡ vứt bỏ, chẳng thà mang đến đây trao đổi, để chúng lại có một cuộc sống mới, với người chủ mới yêu thương và trân trọng chúng”.

Một cách làm mới mẻ giúp quên đi người yêu cũ

Dạo một vòng quanh chợ có thể thấy mặt hàng chủ yếu được bày bán là những cuốn sổ tay, những cuốn sách, khăn, phụ kiện thời trang và quần áo... Giá cả của những món đồ này cũng “rất sinh viên”, thậm chí, một số mặt hàng còn miễn phí, được mọi người trao tặng cho nhau như một sự sẻ chia với một người lạ, không quen nhưng có cùng “nỗi lòng”.
 
 
 Những kỉ vật thân quen mang trong mình nỗi nhớ của chủ nhân về người yêu cũ.
Bạn Nguyễn Liên – chủ gian hàng bán sổ tay chia sẻ: “Những cuốn sổ này đều do cả mình và người yêu cũ cùng nhau làm ra, lấy ý tưởng từ một loạt sổ của Nhật Bản. Cả 2 đều có ước mơ kiếm tiền từ mặt hàng này rồi đi du lịch khám phá những miền đất mới... thế nhưng chưa kịp thực hiện điều đó thì chúng mình chia tay, bạn ấy lập gia đình đã được 1 năm rồi”.
 
Có chung nỗi buồn về chuyện tình xưa cũ, bạn Phước Thủy – chủ một gian hàng sách, phụ kiện thời trang cho biết: “Ở đây có bày những món đồ gắn với kỉ niệm của mình với người tình trước. Đối với mình, vấn đề lợi nhuận không quá quan trọng vì là đồ cũ, mình cũng không có nhu cầu sử dụng nên đem đến đây bán lại với giá rẻ, thậm chí tặng người khác”.
 Những dòng nhắn gửi của với người yêu cũ.
Được bày trí ở trung tâm của phiên chợ là khu trưng bày những bức thư, cuốn nhật kí ghi chép về chuyện tình yêu do nhiều vị khách gửi đến. Những dòng tâm sự xúc động hòa quyện cùng tiếng ghi-ta, lời ca, tiếng hát của các bạn trẻ như gắn kết tất cả làm một, giúp họ cùng nhau vượt lên nỗi nhớ, nỗi tiếc thương với chuyện tình đã cũ.
 Nhiều mặt hàng được bày bán với giá rất rẻ, thậm chí là miễn phí.
Một điều kì lạ là “Chợ phiên người yêu cũ” lần 7 thu hút rất đông bạn bè ngoại quốc tham gia. Anh Marcus (đến từ Anh) chia sẻ rằng mình đã rất bất ngờ khi biết mục đích của phiên chợ: “Các gian hàng bày bán những món đồ khá độc đáo, ở nước Anh không có nhiều chương trình như thế này. Đây là một cách rất hay; thể hiện sự hiện đại, cởi mở của các bạn trẻ Việt Nam khi đối diện với những kỉ niệm tình yêu của mình”.
 Những bức thư của người yêu cũ được trưng bày tại phiên chợ.
Đặc biệt, bên cạnh những hoạt động vui chơi, giao lưu thú vị, các bạn trẻ mang đồ đến đây buôn bán, trao đổi cònđược miễn phí chi phí thuê gian hàng. Chỉ có những gian hàng bán đồ mới hoặc sử dụng túi nilon thì mới phải nộp phí. Đây là một cách để anh Thắng cùng phiên chợ truyền đi thông điệp không sử dụng túi nilon, không sử dụng ống hút nhựa để bảo vệ môi trường.
 Anh Marcus rất vui mừng khi được tặng bức tranh nước từ một bạn trẻ tại phiên chợ.
 Những dòng chia sẻ được các bạn trẻ viết và dán lên chiếc bảng treo ở cửa vào chợ phiên, như một cách để quên đi người yêu cũ.