Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Độc đáo phiên chợ Heo ngày giáp Tết tại Quảng Nam

Hạnh Nhung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chợ Heo có tên gọi khác là chợ Bà Rén. Đây là phiên chợ vô cùng độc đáo với tuổi đời hơn 40 năm, thuộc xã Quế Xuân 1, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam.

Chợ Heo thường bắt đầu từ lúc 7h sáng và tan chợ vào lúc 10h

Phiên chợ đặc biệt
“Ai về Bà Rén ghé chợ heo/Vui tai, bắt mắt, chuyện tầm phèo” là câu ca về chợ Heo hết sức độc đáo và nổi tiếng được người dân xứ Quảng truyền miệng nhau hát.
Cứ vào khoảng 6h sáng, khu chợ đã bắt đầu nhộn nhịp khi những chiếc xe máy chở những rọ heo của người buôn heo vào chợ. Phiên chợ sẽ bắt đầu từ 7h sáng và tan chợ vào lúc 10h. Thường vào những ngày có thời tiết đẹp, nắng ráo thì chợ mới bán.
Hầu hết các giống heo đều có mặt ở chợ Heo, từ heo chăn nuôi thuần chủng cho đến heo lai giống của Mỹ, Pháp, Anh, Nhật, Thái Lan… và cả heo rừng lai, heo cỏ thuần chủng của Việt Nam. Người buôn heo mua heo từ những người dân ở các vùng xung quanh đem đến hay của các lái buôn, sau đó gom hàng, bán lại cho các lái buôn khác.
Chính nhờ chủng loại heo phong phú, đa dạng và giá cả phù hợp, nên dẫu phải trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của người chăn nuôi nhưng chợ Heo vẫn tồn tại được cho đến bây giờ. Đó chính là nét đẹp trong truyền thống sản xuất, chăn nuôi của người dân xứ Quảng. Không chỉ bán heo trong chợ, các thương lái còn thu gom nhập bán heo giống cho thị trường các tỉnh miền Tây Nam Bộ và nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Ông Phạm Cư - Trưởng Ban quản lý chợ Heo cho biết, chợ này được nhà nước đầu tư, đây là khu chợ lớn nhất Quảng Nam. Đây là khu chợ tập trung nên các thương lái ở các huyện, các vùng khác thường đổ về buôn bán. Hiện có 100 hộ đang kinh doanh, buôn bán heo tại chợ. Ban quản lý rất quan tâm về vấn đề dịch bệnh, luôn kiểm soát, tới mùa thường xuyên phun thuốc khử độc, khử trùng để đảm bảo vệ sinh trong khu vực chợ cũng như tránh tình trạng dịch bệnh cho heo.
Giá cả sẽ được người mua và người bán thương lượng với nhau
“Chợ Heo cũng thu hút rất nhiều khách du lịch đến tham quan bởi vì sự tò mò của họ với nét độc đáo, khác biệt của phiên chợ này”, ông Cư cho biết thêm.
Theo những thương lái buôn heo ở chợ, những ngày nắng đẹp mới có phiên chợ heo, ngày 30 và mùng 1 thì không bán. Giá cả sẽ được thương lượng giữa người bán và người mua, đối với heo trên một yến bán từ 40.000 đến 50.000 đồng/kg; giá bán trung bình heo sữa một tháng tuổi giao động từ 250.000 đến 350.000 đồng; heo 2 - 3 tháng tuổi sẽ có giá từ 600.000 đến 800.000 đồng. Thường những ngày giáp Tết phiên chợ sẽ càng đông đúc, nhộn nhịp. Tầm khoảng 28 Tết chợ sẽ nghỉ và họp phiên chợ mới đầu năm vào ngày mùng 8 tháng Giêng Âm lịch.
Độc đáo nghề bồng heo
Bồng heo, cân heo được xem là một nghề vô cùng độc đáo. Chính nét đặc biệt này đã giúp chợ Heo trở nên khác biệt. Ở chợ Heo, thương lái sẽ không cân heo như bình thường mà sẽ cân “cả người cả heo”. Họ chọn những phụ nữ khỏe mạnh, nhanh nhẹn rồi bảo các chị ẵm những chú heo con đứng lên cân. Sau khi có kết quả, họ trừ đi trọng lượng cơ thể của người, còn lại là ra số cân thực tế của con heo cần mua hoặc bán. Heo sau khi cân sẽ được những người bồng heo đến bỏ vào lồng cho người mua.
Bồng heo, cân heo là nét độc đáo của phiên chợ

Chị Trần Thị Thảo (quê Hưng Yên), người bồng heo tại chợ cho biết đã bồng heo tại chợ này được 15 năm, mỗi lượt bồng con nhỏ là 500 đồng, con lớn thì 1.000 đồng. Trung bình mỗi ngày nhờ việc bồng heo chị kiếm được hơn 100.000 đồng.
“Nghề này khó khăn, vất vả lắm! Nhà ở cách chợ 2km, ngày nào tôi cũng phải tất bật sửa soạn, dọn dẹp ở chợ để chờ bồng heo. Một ngày phải thay tới 3, 4 bộ quần áo, nhưng vì thích công việc này và có thu nhập nên tôi vẫn sẽ tiếp tục theo nghề bồng heo”, chị Thảo chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Kim Liên, thương lái tại chợ Heo cho biết, chợ heo này ra đời từ năm 1975, tính đến nay đã được hơn 40 năm. Đây cũng là nơi tập trung nhiều giống heo ở khắp mọi nơi trong cả nước dồn về. Phần lớn heo mang đến chợ được các tay buôn lớn mua lại rồi chở đi Đà Nẵng, Quảng Ngãi, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội… Cũng có khi heo còn được chuyển sang tận Lào, Campuchia.
Chợ Heo nghe có vẻ quen nhưng cũng rất lạ. Quen là bởi vì hàng hóa bán tại chợ rất đỗi thân quen với người dân, lạ bởi vì những nét độc đáo, đặc biệt như bồng heo, cân heo chỉ có tại phiên chợ Heo, Quảng Nam mới có được.
Cùng với sự quan tâm của chính quyền, sự nỗ lực của người chăn nuôi và những thương lái, chợ Heo vẫn giữ được nét đẹp văn hóa trong lao động của một vùng đất. Góp phần duy trì và phát triển ngành chăn nuôi, nhất là chăn nuôi heo, một nghề truyền thống lâu đời của dân tộc Việt.