Sau hơn 2 năm thành lập, thư viện Đông Dương đã trở thành một điểm đến quen thuộc, hấp dẫn đối với người dân nơi đây, qua đó góp phần tích cực trong phát triển văn hóa đọc tại cộng đồng, nâng cao dân trí và xây dựng xã hội học tập, của nhiều người dân. Theo Trưởng thôn Đông Dương Nguyễn Hữu Khương: Từ khi thành lập, thư viện Đông Dương đã góp phần lan tỏa văn hóa đọc ra toàn thôn và các vùng lân cận, phát huy tinh thần hiếu học ở địa phương. Toàn thôn Đông Dương hiện có 818 hộ với 3.162 nhân khẩu. Cuối năm 2018, khi thôn đưa ra kế hoạch thành lập thư viện, đã nhận được sự ủng hộ tích cực của những người con xa quê. Chương trình cũng nhận được sự tham gia tích cực của người dân, đóng góp tiền, sách để xây dựng thư viện.
Hiện, thư viện thôn Đông Dương được đặt tại Đình làng, có diện tích 30m2, số lượng đầu sách là 2.809 cuốn. Trong đó, có 476 đầu sách mua chọn lọc và 1.857 đầu sách do các "mạnh thường quân" ủng hộ. Sách phong phú và đa đạng các lĩnh vực từ khoa học, văn học, lịch sử, địa lý, tâm lý, kỹ thuật. Với số lượng và chất lượng sách đã có, thư viện đáp ứng đủ về tiêu chí chất lượng kiến thức, lẫn số lượng với các độc giả ở quê. Nguồn sách của thư viện thường xuyên được bổ sung tạo nên nguồn sách phong phú, đa dạng cho thư viện. Thư viện mở cửa 3 ngày/tuần, miễn phí cho toàn bộ bạn đọc. Mỗi ngày mở cửa, thư viện thu hút hàng chục bạn đọc lui tới.
Em Nguyễn Phương Thảo, học sinh lớp 8 chia sẻ, thư viện có nhiều sách hay, bổ ích, lại thường xuyên được bổ sung nhiều sách mới nên em và các bạn thường lui tới tìm sách đọc phục vụ học tập và giải trí. Anh Nguyễn Đắc Lợi, thôn Đông Dương vui vẻ cho biết: Thư viện thôn mở ra là một địa điểm giải trí cho các em nhỏ, ngoài tiếp thu thêm nhiều kiến thức, khi đến thư viện đọc sách cũng giúp các em tránh xa những thiết bị điện tử, giải quyết được nỗi lo chung của nhiều phụ huynh hiện nay.
Chia sẻ về kế hoạch phát triển thư viện trong thời gian tới, ông Nguyễn Hữu Khương cho biết: Ban Quản lý thư viện sẽ vận động, thuyết phục và ủng hộ tinh thần, vật chất để tăng lượng sách cho thư viện. Bên cạnh đó, vận động các cô giáo trên địa bàn tổ chức các buổi tọa đàm, khóa học về văn hóa đọc. Bên cạnh đó, phối hợp cùng các cô giáo cấp 1, cấp 2 và cấp 3 để nghiên cứu nhu cầu độc giả nhằm mua sách phục vụ tốt hơn nữa với mục tiêu thư viện là một môi trường tri thức hữu ích, tạo tiền đề tốt, thuận lợi cho tất cả mọi người tiếp cận, cùng học hỏi và phát triển.